(CATP) Ngày 22/4, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học về Đề án "Hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW" (Đề án). Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nêu rõ, mục tiêu hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, thống nhất những nội dung cơ bản trong đề án như: bố cục, nội dung (sự cần thiết, cơ sở lý luận, chính trị, thực tiễn); thực trạng tổ chức thi hành án hình sự hiện nay của CAND và QĐND; giải pháp thời gian tới, các mục tiêu cần phấn đấu đến năm 2030 - 2050; nêu các quan điểm, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án hình sự thời gian tới, nhất là việc tổ chức thi hành án tại trại giam, những vấn đề mới trong thi hành án hình sự tại cộng đồng và những vấn đề mới trong công tác thi hành án hình sự theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Báo cáo tóm tắt Đề án, Đại tá Phạm Minh Phong, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công an chủ trì thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề án. Đây là Đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ để cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết số 27 theo hướng "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. Hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật... Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự...".

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến
Dự thảo Đề án gồm 4 phần, cụ thể: sự cần thiết xây dựng Đề án, phạm vi Đề án; Thực trạng cơ chế thi hành án hình sự theo chức năng, nhiệm vụ của CAND và QĐND; dự báo, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện.
Tại hội thảo, đã có 23 ý kiến tham luận, tập trung phân tích, đánh giá toàn diện cả về cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể, với quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án, chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong tổ chức bộ máy, một số chính sách pháp luật, công tác quản lý người chấp hành án tại cộng đồng, vấn đề nhân lực và điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất; đề xuất các giải pháp để đưa vào Đề án để thực hiện trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến ghi nhận, biểu dương ban soạn thảo, tổ biên tập đã hoàn thiện dự thảo nhanh, công phu, khoa học. Đồng chí Thứ trưởng đã tóm tắt lại nội dung các ý kiến thảo luận tập; các kiến nghị đề xuất, đồng thời cho rằng việc xây dựng Đề án nhằm hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật; thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, rất ý nghĩa trong công tác phòng chống tội phạm của lực lượng CAND, giúp cho người lầm lỗi nhận thức được hành vi để cải tạo, hoàn lương trở thành người có ích cho xã hội, đặc biệt là quản lý con người, phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu ban soạn thảo rà soát lại câu từ cho thống nhất, viết gọn lại đảm bảo súc tích, ngắn gọn; rà soát lại để bổ sung thêm các nghị quyết, luật, công văn, chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước; giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ, tối đa tất cả các ý kiến đóng góp, tham luận. Đồng thời, rà soát, tổng hợp, nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án và các văn bản kèm theo, tổ chức xin ý kiến một lần nữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.