Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2020):

Lan tỏa những tấm gương CAND vì nhân dân phục vụ

Thứ Năm, 13/08/2020 16:37  | Mai Loan

|

(CATP) Những năm qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, bảo đảm an ninh trật tự trên mọi miền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân… Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được nhân dân viết thư khen, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an ghi nhận, biểu dương...

Những chiến sĩ xông pha nơi tuyến đầu

Một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đó là Thượng tá Y Mai Anh, Trưởng Công an huyện Mang Yang, Công an tỉnh Gia Lai.

Chị Mai Anh chia sẻ: Ở địa bản trọng điểm, vùng biên giới của Tây Nguyên, là một địa bàn vùng núi, tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Các thế lực luôn nhắm tới địa bàn này để lôi kéo, kích động, một số bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế, dễ bị lôi kéo... Chính vì vậy, xác định đây là mục tiêu trọng điểm cũng như nhiệm vụ then chốt của lực lượng Công an cơ sở, ngoài nghiệp vụ của lực lượng công an, các cán bộ chiến sỹ trong đơn vị phải tranh thủ tiếp xúc đối với những người có uy tín như già làng, trưởng bản tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân hiểu và tin theo trong thực hiện các chính xác an sinh, xã hội, xây dựng nông thôn mới, tham gia tố giác tội phạm…

Thượng tá Y Mai Anh chia sẻ tại buổi giao lưu

Đối với các trường hợp sau khi chấp hành án phạt tù trở về địa phương họ còn nhiều mặc cảm. Thượng tá Y Mai Anh cùng với đồng đội gần gũi, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ, nên họ đã chăm chỉ làm ăn, sau đó hòa nhập cộng đồng, qua đó giúp cho lực lượng công an phát hiện những âm mưu của các đối tượng bị kích động, những đối tượng dễ bị lợi dụng… Từ đó, lực lượng công an huyện không để xảy ra điểm nóng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn cũng như điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự xã hội…

Khoác lên mình cảnh phục của ngành công an, có lẽ không ai là chưa một lần đối mặt với tội phạm ma túy nhưng với tính chất và liều lĩnh như hiện nay không phải ai cũng có thể và đối đầu được với loại tội phạm này đó là tâm sự của Thượng tá Phạm Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh Hòa Bình.

Theo thượng tá Hùng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy từ trước tới nay luôn được lãnh đạo Bộ Công an cũng như là tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa bình đặc biệt quan tâm. Mặc dù tỉnh Hòa bình không có đường biên giới, nhưng có quốc lộ 6 từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc. Vì vậy, ma túy thường xuyên được thẩm lậu từ các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, sau đó được vận chuyển trên quốc lộ 6 đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình về Hà Nội cũng như đưa đi các tỉnh miền xuôi và đưa sang nước.

Thượng tá Phạm Hùng cũng cho biết: trong thời gian qua, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, công an tỉnh liên tục đấu tranh triệt phá nhiều đường dây ma túy, nhưng vẫn còn xuất hiện rất nhiều đường dây mua bán, vận chuyển lớn và manh động ở mức độ sẵn sàng sử dụng vũ khí hoặc lao xe vào lực lượng công an để trốn tránh.

Gần đây nhất, tháng 10-2019 đơn vị tổ chức bắt quả tang đối tượng vận chuyển được 6kg ma túy đá, 4 bánh heroin. Quá trình vây bắt hai đối tượng này, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong lúc tiến hành vây bắt, xe đối tượng lao thẳng vào xe lực lượng chức năng và liên tục tiến lùi, cố thủ trong xe buộc lực lượng Công an phải nổ súng, sau đó sử dụng búa đập kính, ném lựu đạn cay lựu đạn nổ vào trong xe… mới bắt được các đối tượng…

Gần 20 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao Sơn La, nơi chảo lửa ma túy, Thượng tá Mai Hoàng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, nguyên Trưởng Công an huyện Mộc Châu, Sơn La và đồng đội liên tiếp lập nên nhiều chiến công xuất sắc, triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức buôn bán ma túy có vũ trang qua biên giới.

Thượng tá Mai Hoàng

Thượng tá Hoàng nhớ lại, địa bàn biên giới 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La là địa bàn phức tạp về tội phạm vận chuyển ma túy vũ trang qua biên giới.

Trước tình hình đó, năm 2014, sau khi xác lập chuyên án, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Lê Qúy Vương, Ban chuyên án trong vòng 3 năm (từ 2014 đến 2017) đã tổ chức 106 lần vào rừng để đấu tranh với tội phạm và 57 trận đánh vũ trang, tiêu diệt, bắt giữ trên 25 đối tượng, thu giữ nhiều súng quân dụng và ma túy.

Chuyên án thành công nhưng trong 9 giai đoạn của chuyên án, có trận đánh số 28 vào cuối năm 2015 là trận đánh mà đối với những người tham gia chuyên án không thể quên. Khi đó, nhận được thông tin, phát hiện 10 đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới. Tổ công tác đặc biệt gồm Công an tỉnh Sơn La, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã di chuyển vào rừng khoảng 20km để tránh bị động, còn nhóm đối tượng lúc đó đi đường chính. 3 ngày trinh sát ở trong rừng, tổ công tác đặc biệt chỉ ăn lương khô, cơm trắng với muối, rau rừng… đã phát hiện nhóm đối tượng di chuyển vào khu vực nội địa.

Qua hệ thống ống nhòm, các anh thấy có 10 đối tượng nhưng sau đó xuất hiện người phụ nữ dân tộc mang theo một cháu nhỏ khoảng 8 tuổi, soi đèn pin tiến đến nhóm đối tượng. Thời điểm ấy, một số anh em trong tổ công tác muốn lập công vì ở trong rừng nhiều ngày, nhưng phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên “Nếu người phụ nữ và cháu nhỏ đi cùng nhóm đối tượng thì không được nổ súng vì sẽ gây thương vong cho 2 người này”. Nhóm đối tượng di chuyển, người phụ nữ và cháu nhỏ do sức yếu đi thụt lại phía sau, đúng vị trí Thượng tá Mai Hoàng và đồng đội phục kích.

“Qua ống nhòm khẩu súng, tôi phát hiện bước chân trần của cháu nhỏ đi trong nhóm tội phạm, khiến trong lòng chúng tôi lay động, nhiều lần tôi định siết cò nhưng đã dừng lại. Sau khi nhóm đối tượng đi khỏi tầm vây bắt, có cán bộ chiến sỹ thở dài, trăn trở nhưng tôi nghĩ rằng, quyết định của chúng tôi là đúng. Chúng tôi đã chiến thắng được tâm lý của mình và thể hiện tính nhân văn của lực lượng CAND”- Thượng tá Mai Hoàng cho hay.

Lao vào “biển lửa” cứu người

Dầm mình trong dòng nước lạnh, lặn lội đêm khuya trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân; trèo lên những tòa nhà cao tầng; băng mình qua ngọn lửa để cứu người, tài sản… là công việc của những người lính cứ hỏa.

Là một trong những điển hình tiến tiến tham dự lần này, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) , Công an TP.Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường làm việc của các chiến sĩ PCCC hết sức nguy hiểm “người ta chạy ra, chúng tôi chạy vào”.

Để hoàn thành niệm vụ, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC CATP Hồ Chí Minh nói riêng và Công an toàn quốc nói chung luôn được giáo dục lòng yêu ngành, mến nghề, được rèn luyện với quyết tâm cao độ về ý chí và hành động, nâng cao ý thức và trách nhiệm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm (thứ nhất thứ phải sang)

Một tấm gương về PCCC vô cùng anh dũng đó là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa, Hà Nội. Hình ảnh Trung úy Hoàng được nhiều người dân biết đến đó là vụ cháy ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhớ lại khoảng khắc ngôi nhà bị cháy, cận kề cái chết, cháu Nguyễn Hoàng Giang cho biết, khi thấy xung quanh khói bao phủ, biết nhà bị cháy nên đã rất hoảng loạn, tuyệt vọng… Khi được đưa ra khỏi vụ cháy, Giang bị hôn mê. Tỉnh dậy ở bệnh viện, điều đầu tiên Giang muốn biết người đã cứu mình và được gia đình thông tin đó là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng.

Trung úy Vũ Ngọc Hoàng

Hình ảnh về Cảnh sát PCCC quên mình để cứu cháu Nguyễn Hoàng Giang, trong mắt người dân thời điểm đó, mọi người rất ngưỡng mộ và gọi anh là “Anh hùng”.

Chia sẻ về điều này, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng cười nói: “Sau vụ cháy, tôi nhận được rất nhiều lời quan tâm, động viên của người dân, có lẽ là tình cảm tự hào biết ơn, mọi người gọi tôi là anh hùng nhưng tôi không phải là anh hùng. Tôi chỉ là cán bộ Cảnh sát PCCC, một chiến sĩ CAND. Trong tình huống ấy, nếu không phải là tôi mà là một cán bộ, chiến sĩ khác cũng sẽ hành động như vậy”.

Khi đối mặt với giặc lửa, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC phải quên đi những hiểm nguy, mục tiêu cao nhất là cứu người, cứu tài sản. Công việc với họ rất bình thường, nhưng đã làm lay động nhiều người dân khi đứng trước “giặc lửa”, họ điềm tĩnh, gan dạ và quả cảm, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng của bản thân với đúng tinh thần, phẩm chất của người chiến sĩ Công an…

Bình luận (0)

Lên đầu trang