Lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết tại cuộc gặp với Thủ tướng

Thứ Hai, 10/02/2025 11:20

|

(CAO) Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Tại đây, nhiều doanh nghiệp điển hình cũng đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết...

THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO): Sau hơn 25 năm phát triển, THACO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ và logistics. 

Với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng với các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này. Chúng tôi đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP

Cụ thể, đối với ô tô, chúng tôi hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và đến giờ này chúng tôi đang kiểm soát 32% thị phần. Năm ngoái, chúng tôi đã bán 92.000 xe, năm nay chúng tôi cố gắng bán 100.000 xe và chúng tôi sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

Đối với ô tô thì chúng tôi cũng đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Chúng tôi đã giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Thứ hai là trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. 

Hiện nay, mức tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi rất cao. Trong thời gian tới, vào tháng 9/2025, chúng tôi sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700 ha. Tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics.

Cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm.

Đối với nông nghiệp, sau nhiều năm, chúng tôi đã hình thành được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ. Hiện nay, chúng tôi cũng đã thành công với mô hình này tại Campuchia, tại Lào.

Một lần nữa, tại hội nghị này, tôi xin phép nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên. Việc nhận diện tại cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dẫn đến việc nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không thành công.

Các quy định về đất rừng sản xuất, đặc biệt là cây cao su, nếu chuyển đổi được vừa chăn nuôi vừa tổ chức để lấy phân, vừa tổ chức để sản xuất các loại trái cây, trong vòng 1-2 năm thì chúng tôi có được mô hình sản xuất như này.

Có một số vướng mắc về các quy định pháp lý, nên thời gian vừa qua, có một số dự án mà chúng tôi đã hoàn thành cơ bản nhưng vẫn chưa xong về mặt pháp lý. Tôi hy vọng rằng mô hình này sẽ giúp đất nước trở thành một quốc gia sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Đối với logistics, đến nay, chúng tôi đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên. Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do chúng tôi tự đầu tư xây dựng.

Nếu thể chế làm nhanh và có đặc thù, thì tôi hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng đến cuối năm 2026 đưa vào vận hành. Khi vận hành, công ty cũng đã đầu tư hai tàu có trọng tải 1.800 TEU để kết nối từ Chu Lai đi thẳng ra qua Thượng Hải, từ đó đi châu Âu đi Mỹ, đi Bắc Trung Quốc, đi Hàn Quốc, Nhật Bản thì chắc chắn là chi phí logistics tại miền Trung sẽ tương đương với 2 miền Nam, Bắc.

Trong đầu tư xây dựng, chúng tôi đã hoàn thành cầu Ba Son kết nối từ trung tâm TPHCM sang Thủ Thiêm. Bốn tuyến đường chúng tôi hoàn thành cơ bản, chỉ còn vướng mặt bằng thì trong năm này, với tháo gỡ rất quyết liệt của Chính phủ, chúng tôi cố gắng đồng hành cùng với TPHCM để triển khai nhanh chóng. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chúng tôi tăng cường chống lãng phí- một trong các định hướng chiến lược-để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chúng tôi sẽ cố gắng vừa làm tốt, không tiêu cực và cũng không lãng phí để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cũng khai thác các quỹ đất.

Thông qua hội nghị này tôi xin hứa với Chính phủ là chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực phát huy để trong thời gian tới, cùng với các định hướng mạnh mẽ và quyết liệt về phát triển đất nước, chúng tôi sẽ có những đóng góp nhất định.

Vingroup cam kết tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup: Với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phát biểu- Ảnh: VGP

Điển hình là Vinfast, một dự án mà chúng tôi đã kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

Chúng tôi xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, Vinfast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của Việt Nam, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Để phát triển bền vững, kích cầu tiêu dùng nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với Vinfast chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này.

Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường.

Chúng tôi tin rằng có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia.

Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được chúng tôi triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, VinMotion để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

Trong hành trình phát triển, Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, tôi xin đề xuất cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng vận hành được giao BOT, xây dựng-sở hữu-vận hành BOO, xây dựng – chuyển giao (BT).

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Vingroup cam kết đóng vai trò là 1 trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội vươn xa, góp phần xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng xanh và bền vững.

"Bình dân hóa trí tuệ nhân tạo"

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Vào thời điểm này cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục - Ảnh: VGP

Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) viết một báo cáo gọi là 2-3-4-5 tức là: 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính.

Ở đây tôi muốn tập trung vào 2 ý: Thứ nhất, tôi đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì khi nghiên cứu, tôi thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên và khi tất cả thế giới trên một đường chung thì Việt Nam đứng thẳng, tức là với mức GDP của chúng ta thì tiềm năng khoa học tăng gấp đôi.

Trước những cơ hội đó, tôi đề nghị, thứ nhất, chúng ta đã nói cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn của KHCN mới là quan trọng nhất. Thứ hai, chúng tôi đề nghị "bình dân AI vụ". Ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". 

Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.

Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp thép

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát: Tôi nghĩ rằng mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế thì Hòa Phát cũng như vậy. Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%.

Hiện nay toàn bộ ngành thép VN nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Nhân đây, tôi xin cảm ơn Bộ Công Thương đã tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc nhập khẩu.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát: Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án - Ảnh: VGP

Ông Trần Đình Long nêu kiến nghị: Chúng ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Ông cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Trong kế hoạch 2025- 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho DN.

Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỉ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, HP cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu...

Bình luận (0)

Lên đầu trang