Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng:

Mô hình Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là cần thiết

Thứ Năm, 04/10/2018 09:05

|

(CAO) Việc áp dụng mô hình người đứng đầu bên Đảng đồng thời là đứng đầu chính quyền đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương và được coi như một sự đổi mới đúng hướng.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với mô hình này, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cho rằng đã đến thời điểm tính tới việc áp dụng ở cấp cao nhất.

Ông Hoàng nêu quan điểm: “Người ta vẫn hay gọi mô hình này bằng cụm từ “nhất thể hóa”. Nhưng theo tôi, đảng là đảng, còn nhà nước là nhà nước, về bản chất và chức năng là hai chứ không phải một.

Đảng lãnh đạo bằng các giá trị, chứ không phải bằng quyền lực. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng này. Còn Nhà nước thì quản lý bằng quyền lực được nhân dân ủy quyền. Đảng không phải là nhà nước. Và nhà nước là của dân chứ không phải riêng của đảng. Không nhà nước hóa đảng và cũng không đảng phái hóa nhà nước. Vì vậy đảng và nhà nước không thể nhập lại thành một.

Mô hình người đứng đầu bên đảng đồng thời đứng đầu nhà nước như trên giống như là chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước. Cũng không gọi là kiêm chức hay kiêm nhiệm được vì nó không phải cùng trong một tổ chức và cũng không thể việc này hay việc kia là chính, còn việc khác là thứ”.

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Phóng viên: Một người làm hai nhiệm vụ như vậy liệu có trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng cả hai việc này đều nhằm một mục đích là phục vụ nhân dân, miễn là nhân sự cụ thể có đủ nhân cách, năng lực.

Với tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, việc áp dụng mô hình này ở cấp cao nhất là đúng và cần thiết. Tôi ủng hộ và hoan nghênh. Nó làm gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều rườm rà, thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại. Đến nay việc áp dụng mô hình này là việc đã chín muồi và thời điểm cũng thích hợp.

- Nhưng có lo ngại rằng việc tập trung quyền lực sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền? Quan điểm của ông ra sao?

- Tôi nghĩ đó là sự phân vân và là câu hỏi phản biện cần thiết. Nhưng bạn thấy đấy, một số nước phát triển bố trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp quốc gia khối hành pháp chỉ có 2 người, một trưởng và một phó, trong khi ở nước ta hiện nay là 10 người (nếu tính Chủ tịch, phó chủ tịch nước, thủ tướng, các phó thủ tướng, Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư). Tuy nhiên, cũng không thể vì vậy mà bảo ta dân chủ hơn họ, còn họ thì dễ lạm quyền, lộng quyền hơn ta.

- Vấn đề là ở cơ chế kiểm soát quyền lực ra sao thôi, thưa ông?

- Nhất thiết phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, thể chế chứ không phải cứ nhiều cán bộ chủ chốt trong bộ máy thì càng kiểm soát tốt. Thậm chí, nếu cơ chế, thể chế kém thì càng nhiều người, nhiều đầu mối càng khó kiểm soát, và vì vậy càng dễ lộng quyền.

Việc kiểm soát quyền lực thì đến nay nghị quyết của Đảng đã nói rồi, Tổng Bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nói rồi.

- Ông có cho rằng khi áp dụng mô hình này thì vai trò của tập thể sẽ bị xem nhẹ hơn không?

- Tôi không nghĩ một người đồng thời đảm nhiệm hai chức danh sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của tập thể bị xem nhẹ. Lấy ví dụ tập thể ở đây là Bộ Chính trị thì vai trò lãnh đạo nhà nước của Bộ Chính trị chẳng những không giảm đi mà thậm chí còn tăng hơn nếu có Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Còn tiếng nói của cá nhân Chủ tịch nước trong Bộ Chính trị cũng mạnh hơn. Vừa tốt cho mặt này và cả mặt kia, kể cả đối với Đảng và đối với Nhà nước.

Còn vấn đề dân chủ ở nước ta thì rõ ràng còn nhiều mặt chưa tốt, phải thường xuyên chăm lo nâng cao, phát huy, thực hành rộng rãi, trong đảng và trong xã hội, bắt đầu từ nhận thức, rồi đến cơ chế, thể chế. Đây là một vấn đề rất quan trọng, cần được tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo việc đổi mới, cải cách để ngày càng tốt hơn lên, thực chất hơn.

- Vậy theo ông, một người giữ quyền hành cao như vậy cần hội tụ những yếu tố gì?

- Thứ nhất là cái tâm, hết lòng với sự nghiệp vì dân, vì nước.

Thứ 2 là sự trong sạch, liêm khiết, gương mẫu về đạo đức và lối sống.

Thứ 3 là quyết tâm đổi mới để phát triển dân tộc và đất nước.

Thứ 4 là tự học không mệt mỏi và tập hợp được sự ủng hộ, hợp sức của đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, trong đó hết sức quan trọng là đội ngũ trí thức.

Tôi tin là khi có sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước, trong đó có việc chống tham nhũng tiêu cực, chắc chắn sẽ tốt hơn so với các năm trước, kể cả so với mấy nhiệm kỳ gần đây. Nếu sắp tới đây lãnh đạo quan tâm tập trung nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới trong thể chế, cơ chế (nhất là về kiểm soát quyền lực, thực thi dân chủ, tăng cường phản biện chính sách) thì tình hình tôi tin là sẽ tốt hơn nhiều.

- Xin cám ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang