‘Mổ xẻ’ chuyện thủy điện xả nước khiến ‘lũ chồng lũ’

Thứ Ba, 08/11/2016 11:15  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày gần đây, sau hai đợt lũ liên tiếp tại miền Trung, người dân hạ du ở một số địa phương hứng chịu không ít trận “lũ chồng lũ” một phần do thủy điện (TĐ) xả nước khiến cuộc sống của họ điêu đứng. 

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện

Điều nhiều người thắc mắc vì sao nhiều TĐ lại xả nước khi không có phương án, quy trình để hạn chế tình trạng này từ trước… PV đã trao đổi với một số chuyên gia, người có kinh nghiệm lâu năm về thủy lợi, TĐ cũng như chủ đầu tư TĐ để “mổ xẻ” vấn đề này.

Thủy điện chưa coi trọng vai trò thủy lợi?

GS-TSKH Nguyễn Thế Hùng, giảng viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về TĐ, thủy lợi lâu năm tại Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều TĐ hầu hết thu nhận kỹ sư điện nhưng còn xem nhẹ kỹ sư thủy lợi, vai trò thủy lợi còn bị mờ nhạt.

Bên cạnh đó, do TĐ coi trọng lợi ích kinh tế, hàng năm ký kết với đối tác, lo sợ thiếu nước nên TĐ phải lo trữ cho đầy hồ; trong khi công tác dự báo mưa lũ chưa nắm hết nên đến khi lũ lớn, trở tay không kịp đành phải xả nước gấp không tính đến sự nguy hiểm cho hạ du TĐ.

GS Nguyễn Thế Hùng

‘Đúng ra phải nắm công tác dự báo, tính toán cho thật kỹ lượng nước sẽ tập trung vào hồ, lên kịch bản xả lũ trước; nhưng có không ít TĐ lười không chịu làm động thái đó, cứ trữ nước đầy hồ, chờ “nước đến chân mới nhảy”, có nghĩa khi lũ lớn về hồ thì mới gấp rút xã nước.

Từ đó mới sinh “lũ chồng lũ” ở hạ lưu. Đội ngũ kỹ sư thủy lợi giỏi, bố trí các trạm đo mưa, lưu lượng trong lưu vực hồ, kết hợp theo dõi thông tin dự báo khác, dựa vào tính toán điều tiết lũ theo các kịch bản cho trước để xả bớt nước hồ chứa trước khi có lũ xảy ra, đằng này lại không làm.

Mặt khác chưa có cơ quan nhà nước nào bắt buộc và kiểm tra việc làm này, nên cũng chẳng có mấy chủ hồ bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh việc làm này, do đó một số TĐ chủ quan. Điều này, do cơ chế, chưa có những quy định bắt buộc, cụ thể, nên đang còn tình trạng mạnh ai nấy làm, tùy cơ ứng biến, khiến khi xảy ra lũ lớn, TĐ xả nước mà không có kiểm chứng độc lập, lưu lượng xả xuống hạ du đã được hồ điều tiết giảm bớt chưa?, khiến hạ du ngập lụt lớn, làm người dân nghi ngờ việc xả nước lớn là do TĐ gây ra…”, GS Hùng chia sẻ.

Thủy điện sông Tranh 2 xả nước trong mùa lũ vừa qua

GS Hùng kiến nghị: “Để đảm bảo xả nước đúng cần có hệ thống giám sát chặt chẽ tại các tràn xả nước, ở đó có camera, đồng hồ giờ, đại diện chính quyền, người dân tham gia giám sát. Yêu cầu các TĐ bố trí các điểm đo mưa, lưu lượng trong lưu vực hồ cho hợp lý, lập qui trình xả nước, xây dựng các kịch bản lũ đến và xả nước, … để đảm bảo lũ xả về hạ lưu TĐ phải nhỏ hơn lượng nước về hồ TĐ. Tăng cường kỹ sư thủy lợi giỏi, coi trọng vai trò thủy lợi hơn nữa. Điều cốt yếu nữa là phải tăng cường bảo vệ rừng để điều tiết lũ tốt, luật pháp phải nghiêm trị những kẻ phá rừng; đây cũng là trách nhiệm của người dân, đoàn thể; ngành Điện cần phải minh bạch, tránh độc quyền, vì nó sẽ gây ra vô vàn việc làm sai trái khác nữa”.

Nói về xu hướng tương lai, GS Hùng nhìn nhận: “Xu hướng năng lượng sạch như gió, thủy triều, khí (đang thăm dò) và một số năng lượng khác để thay thế một số nhà máy điện truyền thống (như than). Còn với TĐ không nên phát triển nhiều nữa vì các vị trí xây dựng TĐ tốt đã làm hết rồi. Tập trung kéo dài tuổi thọ TĐ. Muốn vậy, phải bảo vệ rừng để tạo nhiều hơn nước ngầm, tránh xói lở lưu vực (khiến bùn cát về hồ nhiều hơn), giảm tuổi thọ hồ chứa”.

Xả nước đang có vấn đề?

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, chuyên gia dự án thiên tai cộng đồng của Ngân hàng Thế giới và Bộ NN&PTNT cho biết, công trình TĐ được thiết kế với độ đảm bảo an toàn công trình rất cao. Phần lớn tần suất thiết kế này có thấp nhất cũng đạt Ptk = 0,5%, có thủy điện với tần suất P = 0,1%, có nghĩa là sau 200 năm (với 0,5%) hoặc 1.000 năm (với 0,1%) mới xảy ra 1 trận lũ có khả năng gây mất an toàn công trình. Song trên thực thế, rất nhiều thủy điện mới chỉ vài năm đi vào hoạt động mà đã vận hành xả nước với trường hợp lũ gây mất an toàn công trình, đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và đời sống của người dân ở hạ du.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng

Phía TĐ thì nói rằng họ đã vận hành đúng quy trình, nhưng thực tế hạ du thì bị thiệt hại. Vậy cần phải xem xét lại quy trình xả nước có hợp lý chưa.

“Sau khi nghiên cứu quy trình, chúng tôi thấy rằng, điểm yếu của quy trình đã lộ diện, đó là bước vận hành giảm lũ cho hạ du của quy trình: khi lũ về thì hồ được vận hành lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhưng giữ mực nước hồ không được vượt quá mực nước dâng bình thường của hồ (tức là sẽ gây nguy hiểm cho hồ khi tiếp tục được dâng lên). Như vậy, quy trình đã đặt nguy hiểm thường trực cho hồ nếu gặp lũ lớn”, ông Thắng nói thêm.

Ông Ngô Việt Hải (bên phải) trao đổi với các kỹ sư tại thủy điện sông Bung 2

Qua xem xét, quy trình này chỉ thực hiện được đối với lũ nhỏ hoặc lũ vừa. Khi xuất hiện lũ lớn hoặc lũ đặc biệt lớn thì ngay lập tức mực nước hồ sẽ vượt mực nước dâng bình thường lên mực nước gia cường (mực nước giới hạn cao nhất của hồ), gây mất an toàn hồ đập. Lúc này chủ đầu tư, bắt buộc phải chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình, đột ngột xả nước để cứu công trình, tránh vỡ đập gây thảm họa cho hạ du. Thiệt hại do hạ du chính là lúc này, lũ về quá mạnh và quá nhanh, tăng cao đột ngột nên chính quyền và người dân hạ du sẽ không kịp ứng phó.

Như vậy, quy trình đã đặt nặng vấn đề lợi ích của thủy điện mà ít chú ý đến an toàn ở hạ du. Đối với lũ nhỏ và lũ vừa thì không được phép điều tiết cắt giảm vì lợi lích của lũ nhỏ, lũ vừa đem lại cho hạ du là rất lớn: cung cấp, bổ sung phù sa, cân bằng hệ sinh thái đồng rộng, diệt sâu hại, dịch bệnh, chuột, giảm phân bón, hóa chất trừ sâu bệnh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Đối với lũ lớn cần được điều tiết cắt, giảm thì quy trình này lại không làm được.

Đề nghị nghiên cứu lại quy trình, đặc biệt hình thức lũ miền Trung xuất hiện nhanh, lên nhanh và xuống cũng nhanh, khác với hai miền Nam, Bắc. Đồng bằng sông Hồng dự báo được 48 tiếng đồng hồ, sông Mê Công là 72 giờ nên người dân có thời gian chuẩn bị. Lũ miền Trung khó dự báo, chỉ dự báo được ở đồng bằng, còn vùng núi rất khó dự báo vì sông suối ngắn, sườn dốc lớn, chỉ sau mưa lớn vài tiếng đồng hồ là lũ đổ về không lường hết được, trở tay không kịp.

“Để hạn chế việc xả lũ bất ngờ gây thiệt hại nặng cho hạ du, theo tôi, cần thay đổi quy trình theo hướng khi có lũ phải mở hết cửa tràn sâu để hồ tự điều tiết lũ. Bộ Công thương và Tài nguyên Môi trường cần phối hợp, nghiên cứu, xem xét lại trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy trình cho hợp lí với nguyên tắc ưu tiên cho hạ du vì đó là tính mạng, tài sản của nhân dân”, ông Thắng đề xuất.

“Thủy điện nào làm không đúng quy trình phải chịu trách nhiệm”

Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 2 cho rằng, toàn bộ quy trình xả nước của các hồ TĐ đều phải tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa cho Thủ tướng phê duyệt. Các quy định này được phê duyệt cụ thể cho các hồ chứa trên cùng một dòng sông. Khi xả nước của các hồ chứa, phải thông báo và chịu sự chỉ đạo của UBPCLB địa phương đồng thời thông báo cho nhân dân vùng hạ du được biết.

“Về bản chất, TĐ không ai mong muốn xả nước đi, vì nước là nguồn nhiên liệu cho nhà máy TĐ đồng thời ở góc độ nào đó, bản thân các nhà máy TĐ không tự tạo ra được nguồn nước. Do vậy, không thể nói các nhà máy TĐ góp phần tạo ra lũ mà trong một chừng mực nào đó, phụ thuộc vào dung tích của từng hồ chứa, đã góp phần hạn chế lũ về hạ du. Việc xả nước trong mùa lũ là thực hiện theo đúng quy trình. Đây là việc bắt buộc phải xả nhằm đảm bảo an toàn đập, vì nếu vỡ đập thì hậu quả rất lớn”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay, theo quy trình, tùy từng dòng sông, từng vùng miền khác nhau, thì các hồ đều phải chỉ được tích nước đến mực nước trước lũ. Mực nước trước lũ luôn luôn thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ chứa. Tùy theo điều kiện thời tiết cụ thể, Uỷ ban PCLB địa phương có quyền yêu cầu chỉ được tích nước hồ chứa đến mực nước đón lũ. Mực nước đón lũ thấp hơn mực trước lũ. Các nhà máy TĐ đều phải tuân thủ quy định này. Trong quá trình xả nước mùa lũ đều có quy chế, kênh liên lạc, thông báo cũng như quy chế giám sát của địa phương. TĐ nào làm không đúng quyết định của Thủ tướng về quy trình xả lũ thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang