(CAO) Sáng 6-11, tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo lũ trên sông Dinh tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,8m, trên báo động 3 (BĐ3) 0,3m; trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 9,5m ở mức BĐ2; trên sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ 37,3m, trên BĐ2 0,3m, tại Phan Rang 2,8m, trên BĐ1 0,3m.
Dự báo đỉnh lũ trên sông Krông Ana tại Giang Sơn 425,8m, trên BĐ3 0,8m; Sông Srêpốk tại Bản Đôn 172,0m, dưới BĐ2 1,0m.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và ngập lụt vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, đặc biệt là khu vực TP.HCM.
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Srêpôk. Cấp độ rủi ro thiên tai đạt cấp 2.
Sáng cùng ngày, Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đợt lũ này đã khiến 15 người chết (Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Định 2 người, Phú Yên 7 người, Đắk Lắk 1 người; 6 người mất tích (Quảng Bình: 1 người; Quảng Ngãi: 3 người; Phú Yên: 1 người; Kon Tum: 1 người); 20 người bị thương (Quảng Bình: 14 người; Quảng Trị: 2 người; TT.Huế: 1 người; Quảng Ngãi: 1 người; Bình Định: 2 người).
Ngoài ra, nhà thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 221nhà (Quảng Ngãi: 3 nhà; Bình Định: 189 nhà; Phú Yên: 9 nhà; Khánh Hòa: 17 nhà; Ninh Thuận: 3 nhà). Thiệt hại rất nặng (từ 50% -70%): 2 nhà (Phú Yên); thiệt hại một phần (dưới 30%): 241nhà (Quảng Bình: 2 nhà; Quảng Trị: 22 nhà; Huế: 2 nhà; Quảng Ngãi: 17 nhà; Bình Định: 116 nhà; Phú Yên: 26 nhà; Khánh Hòa: 14 nhà; Ninh Thuận: 43 nhà). Có 40.954 nhà bị ngập.
Mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung
Có 7.044 ha ha lúa bị ngập (Q.Trị: 20ha; Q.Ngãi: 35ha; B.Định: 1.664ha; P.Yên: 1.274ha; K.Hòa: 1.756ha; N.Thuận: 1.478ha; Gia Lai: 35ha; Đắk Lắk: 782ha; Đăk Nông: 58ha). Hoa màu bị ngập, hư hại là 4.743ha (Q.Trị: 110ha; Q.Ngãi: 20ha; B.Định: 628ha; P.Yên: 1.591ha; K.Hòa: 94ha; N.Thuận: 1.040ha; Gia Lai: 289ha; Đắk Lắk: 971ha; Đăk Nông: 175ha). Gia súc bị chết, cuốn trôi 440 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi: 42.724 con.
Về giao thông, các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở 198.137m3; cầu, cống bị sạt lở hư hỏng 151 cái. Về thủy lợi, khối lượng đất, đá, bê tông bị sạt lở 54.299m3, chiều dài kênh mương, đê kè bị sạt lở 46.842m.
Tổng thiệt hại ban đầu: 492,08 tỷ đồng (Quảng Bình: 55 tỷ; Quảng Trị: 95 tỷ; Phú Yên: 337,04 tỷ; Kon Tum: 5,038 tỷ). Các tỉnh khác đang tiếp tục cập nhật.
Đợt lũ này, tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói 1.100 tấn gạo (hỗ trợ cho 11.200 hộ /33.600 nhân khẩu); hỗ trợ hóa chất, vật tư y tế 1.000kg Cloramine B; 30.000 viên Aquatabs; 500 lít Permethrin; 10 máy phun ULV; trang thiết bị phương tiện phục vụ PCLB TKCN: 9 xuồng cao su gắn máy; sớm phương án khắc phục hư hỏng mặt đường QL1, nhất là đoạn qua tuyến dốc Vườn Xoài; đề nghị 90 tỷ đồng khắc phục thiệt hại giao thông, thủy lợi (giao thông: 55 tỷ; thủy lợi, đê, kè: 35 tỷ).
Cho tỉnh được tham gia dự án Đầu tư nâng cấp hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong đó: Đầu tư hệ thống quan trắc và gia cố hệ thống kè các đoạn xung yếu hạ lưu sông Kỳ Lộ và sông Ba.