Nghiên cứu hình thức “tù tại gia”

Thứ Ba, 13/11/2018 09:00

|

Nhằm giảm bớt áp lực quá tải trại giam, trong phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi vào chiều 12-11, đại biểu đã đề xuất hình thức "tù tại gia".

Nghiên cứu hình thức “tù tại gia”

Một trong những nội dung khiến đại biểu băn khoăn là quy định về quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Điều này, theo đại Hồ Đức Phớc (Nghệ An), là không nên vì “sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn cũng như tạo sự lạm dụng của cán bộ trại giam”.

Ông Phớc cũng không tán thành quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Theo đại biểu này, có thể tổ chức học nghề, sản xuất ngay trong trại.

Cũng với lo lắng tương tự, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu quan điểm: “Không tổ chức lao động ngoài trại vì không ai trông được số lượng lớn phạm nhân như thế”.

Theo bà Nga, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng trường hợp bỏ trốn, tác động đến người dân xung quanh. Nơi nào khó khăn, theo bà Nga, có thể đề nghị địa phương tạo điều kiện về đất đai để tổ chức lao động cho phạm nhân.

Nhằm giảm bớt áp lực quá tải trại giam, đại biểu Hồ Đức Phớc kiến nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bà Nga thông tin, các nước đã áp dụng bằng cách gắn chíp theo dõi phạm nhân. Nước ta có chế định tha tù trước thời hạn mỗi năm 3 lần, người cải tạo tốt vẫn được ra ngoài và bị bắt trở lại nếu vi phạm. Tuy nhiên, theo nữ Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ý kiến “tù tại gia” cũng cần tiếp tục nghiên cứu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Khó thi hành án với pháp nhân thương mại?

Dẫn chiếu Bộ luật Hình sự đã điều chỉnh với pháp nhân thương mại (PNTM), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá, dự thảo luật thi hành án hình sự sửa đổi chưa tương ứng trong khi có rất nhiều vấn đề đặt ra khi xử lý một PNTM phạm tội.

Theo ông Tạo, ngoài liên quan đến đời sống cán bộ, việc làm của người lao động thì một pháp nhân hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực còn liên quan tới các cơ quan cấp phép, cơ quan chức năng trong thi hành án hình sự với pháp nhân. “Pháp nhân hoạt động đa ngành đa lĩnh vực thì ngăn cái này họ vẫn hoạt động cái khác. Dự thảo thiết kế còn vênh nên khó khăn khi thi hành” - ông Tạo góp ý.

Chung nhìn nhận này, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) lo ngại nếu làm không chặt chẽ, cụ thể thì rất khó khăn, phức tạp bởi xử lý một PNTM có liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ chính sách, bảo hiểm... của người lao động.

Nhận định đây là một điểm rất mới, đại biểu Ngô Minh Châu (TPHCM) kiến nghị cần những có quy định cụ thể, sát thực tiễn, như vậy sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện. Cũng theo ông Châu, do đây là nội dung mới nên có thể chưa lường hết quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới.

“Cần có quy định về sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự với các cơ quản lý Nhà nước để làm sao giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất” - ông Châu nêu quan điểm và cho rằng, với những PNTM có nhiều lao động thì diễn biến thi hành án là không hề đơn giản.

“Trường hợp PNTM không còn tồn tại nữa qua quá trình thi hành án thì những lao động này sẽ giải quyết như thế nào? Nếu không có sự phối hợp tốt thì nó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác phức tạp về mặt xã hội” - ông Châu băn khoăn.

Ghi nhận dự luật đã khắc phục được những hạn chế của luật cũ, song đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (TPHCM) cũng chưa yên tâm với việc thực hiện biện pháp tư pháp với PNTM như cấm huy động vốn, đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh… Bà Thuý cũng băn khoăn khi dự luật chưa nêu được PNTM có được tạm hoãn, tạm đình chỉ THA hay hoãn THA không.

“Nếu đình chỉ rồi thì không còn tư cách pháp nhân nữa để giải quyết tuyên bố phá sản. Nên chăng chúng ta tạm đình chỉ THA để tuyên bố phá sản nhằm giải quyết các quan hệ hợp đồng dân sự của pháp nhân này rồi sau đó mới đình chỉ?” nữ đại biểu của TPHCM gợi ý.

Chia sẻ thêm về dự án luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, nội dung sửa đổi chủ yếu cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định rất nhiều quyền tự do dân chủ của người dân, kể cả những người đang thi hành án cũng được rà soát lại. Phạm vi sửa đổi rộng, theo Bộ trưởng, là vì tập trung thực hiện những quy định của Hiến pháp. “Mà những điều đó rất cụ thể, đã có quy định và luật này là một bước cụ thể các quyền đó, rất tiến bộ, rất mới” - Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.

Liên quan đến việc thi hành án với pháp nhân thương mại, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, trên thực tế, xử lý một pháp nhân vi phạm kỷ luật thì nước ta chưa có, kể cả tới nay, khi Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành cũng chưa có vụ việc nào xử lý pháp nhân thương mại cả.

“Chắc là vài năm nữa mới có. Chúng ta mới chỉ xử lý cá nhân những người có hành vi vi phạm pháp luật, còn pháp nhân là khái niệm rất mới” - Bộ trưởng nói, nhưng ông cho rằng việc xử lý con người vi phạm pháp luật cũng đã đủ điều chỉnh những hành vi vi phạm của pháp nhân rồi.

Về đề nghị đánh giá tác động của dự luật, Bộ trưởng khẳng định là không thể làm được vì trên thực tế chưa có việc này. Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn: “Ngay cả việc nghiên cứu thực tập kinh nghiệm ở nước ngoài cũng vậy, khó quá, vì ở chúng ta chưa từng xảy ra. Trong các điều khoản chúng tôi cũng quy định hơn 30 điều khoản xử lý cái này, nhưng chỉ là để hoàn thiện luật”.

Nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc ban hành luật này, Bộ trưởng Tô Lâm phản ánh, hệ thống luật pháp đang được hoàn thiện với nhiều luật như Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật tạm giữ tạm giam… đã được ban hành và có hiệu lực gần một năm nay. Việc sửa đổi Luật thi hành án hình sự là bước quan trọng để thực hiện các luật này.

“Cơ quan soạn thảo, UBTVQH đặt vấn đề sửa luật này để sớm đi vào cuộc sống, tăng giá trị pháp lý của chúng ta. Rõ ràng các luật khác có hiệu lực thì luật này phải đồng bộ đi theo, chứ ý kiến đề nghị thông qua trong 3 kỳ họp, nghĩa là mất một năm rưỡi, cả hiệu lực thi hành là 2 năm thì sẽ bị chậm” - Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại. Vì lẽ này, người đứng đầu ngành công an thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.

“Đây là vấn đề mới nhưng không phải quá khó mà chỉ nhằm bổ sung sửa đổi để hoàn thiện thôi. Nếu kéo dài 2 năm nữa thì quá trình thi hành luật không đồng bộ. Cơ quan soạn thảo hết sức cố gắng phối hợp với các cơ quan để đẩy được tiến độ” - Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị và cho biết, ban soạn thảo đã báo cáo việc này tại phiên họp của UBTVQH và đã được thống nhất với lộ trình thông qua trong 2 kỳ họp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang