Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Thứ Hai, 12/11/2018 14:11

|

(CAO) Quốc hội vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Sẽ phải sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

Nghị quyết nêu rõ, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp 15 cam kết/nhóm cam kết trong Hiệp định CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.

Để triển khai thực hiện Hiệp định, Quốc hội giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát 7 dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Kết quả biểu quyết phê chuẩn CPTPP chiều nay, 12-11

Các luật phải sửa đổi bao gồm Bộ luật lao động 2012, Luật Sở hữu trí tiệu năm 2005, sửa đổi năm 2009; Bộ luật Hình sự 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010; Luật An toàn thực phẩm 2010 và Luật phòng chống tham nhũng (đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua).

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP.

Quốc hội yêu cầu thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Không đưa tiêu chuẩn riêng về lao động

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có hai ý kiến đại biểu cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu ý dân chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận trước đó về Hiệp định, có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.

Nhận thấy các ý kiến của các vị đại biểu là xác đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ, cho biết Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo TVQH, có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo cáo giải trình nêu rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang