Tham gia CPTPP: Chính phủ kiến nghị sửa 7 luật

Thứ Sáu, 02/11/2018 15:18

|

(CAO) Thuyết minh về CPTPP, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh giá khá kỹ những tác động của Hiệp định và các văn kiện liên quan với Việt Nam.

Cụ thể, về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thuyết minh về CPTPP

Ở góc độ kinh tế, Phó Thủ tướng khẳng định, việc tham gia về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, bởi thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

“CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi” - Phó Thủ tướng nêu con số cụ thể và cho biết, ngoài ra việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Theo Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.
Tương tự, tham gia CPTPP còn giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Liên quan đến thu hút đầu tư, bản thuyết minh của Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

CPTPP cũng giúp Việt Nam tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.

“CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày” - Phó Thủ tướng thông tin.

Ở góc độ thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Việc hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến cũng là một cơ hội được nhắc đến trong bản thuyết minh.

Nhận định về các khó khăn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định nhấn mạnh đến một số sức ép khi mở cửa thị trường, cạnh tranh trong một số ngành dịch vụ hay thách thức trong hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế…

Theo Phó Thủ tướng, cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Cùng với đó, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết cũng có thể làm giảm thu ngân sách.

“Tuy nhiên sẽ không có sự tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn” - Phó Thủ tướng phân tích.

Được biết, để có cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.

Kết quả rà soát cho thấy, trong 265 văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành rà soát, có 7 luật được kiến nghị sửa đổi trong thời gian tới, 15 cam kết/nhóm cam kết được đề xuất áp dụng trực tiếp và kiến nghị gia nhập 3 điều ước/hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang