Giọt nhớ đọng trên khóe mắt người con trai thứ ba của bà khi anh nhắc đến những kỷ niệm về người mẹ thân yêu của mình. Bà rời cõi trần đã 23 năm nhưng di ảnh của bà ở nhà tù Hỏa Lò vẫn còn đó. Người con gái Hà Nội xinh đẹp, mảnh mai nhưng thật quả cảm, kiên trung đã sống, chiến đấu theo lý tưởng của Bác Hồ, dâng trọn cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của đất nước.
Bà Lê Thị Xuân Uyên (tức Lê Minh Thái) sinh ra ở con phố Hàng Bạc vào mùa xuân năm 1927. Ít ai ngờ cô gái mảnh dẻ, xinh đẹp được gia đình thương yêu đặt cho cái tên “Xuân Uyên” sau này lại trở thành một trong những nữ điệp báo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân. Lớn lên trong một gia đình trí thức, có cha làm bác sĩ ở Bệnh viện Saint Paul, bà là tiểu thư học tại trường nữ sinh Đồng Khánh, có xe tay đưa đón mỗi ngày. Tuổi thơ của bà Xuân Uyên được dạy dỗ tỉ mỉ “nữ công gia chánh”.
Người em trai kém bà 1 tuổi, ông Lê Nùng, được dạy chơi violin từ bé. Hai chị em được học hành bài bản, cho đến ngày Cách mạng, cả hai đều tự nguyện hòa trong thác người tràn về trung tâm thành phố cướp chính quyền. Tuần lễ Vàng, gia đình bà Xuân Uyên đã gánh vàng đến góp sức cùng Chính phủ của Cụ Hồ.
Rồi khi Pháp trở mặt, rắp tâm cướp nước ta một lần nữa, dãy nhà của gia đình bà ở phố Trần Xuân Soạn đã trở thành nơi hội họp kín của Ủy ban Quân quản Hà Nội và là một trong những địa điểm đầu tiên bị địch đốt phá khi tấn công vào Thủ đô.
Nữ điệp báo Công an Lê Thị Xuân Uyên thời trẻ (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)
Cũng những ngày Tháng Tám lịch sử đó đã khởi nguồn cho một câu chuyện tình thật đẹp. Xuân Uyên, cô gái Hà Nội tràn căng sức sống độ tuổi mười tám đã phải lòng chàng trai hăm hai quê Thái Bình, Đỗ Xuân Oanh. Nàng bắt gặp chàng trai mũi to, mặc quần soóc, đeo súng dài đứng gác ở rạp Tháng Tám, khi đó là trụ sở dã chiến.
Chàng nhoẻn miệng cười mà không biết khoảnh khắc đó đã “hớp hồn” nàng. Xuân Uyên khi ấy cũng không hề biết chàng trai ngồ ngộ đó chính là người đã viết bài ca “Mười chín Tháng Tám” mà chỉ mấy hôm trước thôi, nàng cùng hàng vạn người đã hát vang trên đường đi giành chính quyền.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, bà Xuân Uyên tham gia Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, tiền thân của Quân khu Thủ đô, với nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chính trị, xây dựng lực lượng tự vệ tại các khu phố nội đô. Bà Uyên được giao nhiệm vụ tại Nữ trung đội Minh Khai, huấn luyện tự vệ chợ Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc và khu phố cổ.
Toàn quốc kháng chiến, bà tham gia Đội cứu thương Liên khu 2 Hà Nội, xông pha cấp cứu cho các chiến sĩ cảm tử ở chợ Đồng Xuân và những góc phố cổ. Hà Nội thất thủ, bà ở lại nội thành, làm nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Điều tra phản gián, Sở Công an Hà Nội.
Mùa đông năm 1947, bà Xuân Uyên không may sa vào tay giặc trong lần cùng đồng đội chuẩn bị tổ chức lễ kết nạp đảng cho một điệp báo viên. 5 giờ sáng, trời mù sương, khi hai người đang bì bõm lội ruộng ở địa bàn Yên Sở thì chạm mặt lính tuần. Bà nhanh trí xé vội quyết định kết nạp đảng và dìm xuống bùn, đóng giả hai người yêu nhau bị gia đình cấm đoán, trốn nhà đi.
Bọn địch đưa hai người về khai thác ở Nhà Tiền, giải lên Phòng Nhì ở Cửa Đông, rồi về Hỏa Lò. Mấy hôm sau, địch đưa một kẻ phản bội lên nhận mặt, bà bị giải về sở mật thám Hà Nội ngay trong đêm để lấy cung.
Bà đã trải qua nhiều trận đòn thù của địch. Hết đêm này qua đêm khác, chúng tra tấn bà bằng đủ hình thức từ đánh đập bằng roi cá đuối, treo người lên trần nhà, quay điện cả mười ngón tay, mười ngón chân, hai thái dương, hai đầu vú. Nhưng, mọi sự tra tấn dã man vẫn không khuất phục được nữ chiến sĩ kiên định một lòng sắt son với sự nghiệp cách mạng.
Bọn địch sau đó đã dò hỏi và biết được bà rất sợ rắn. Bọn chúng đã thâm độc thả rắn vào trong quần và buộc hai gấu quần lại, khiến bà ngất lên ngất xuống. Các con bà kể, lúc còn bé, chính họ cũng không hiểu nổi vì sao cứ mỗi lần nhìn thấy rắn, chỉ là trên tivi thôi, bà cũng lăn ra ngất. Sau này, lớn lên, được nghe kể lại quãng đời hoạt động cách mạng của mẹ, họ mới hiểu.
Năm 1949, bà Xuân Uyên và nhạc sĩ Xuân Oanh kết hôn nhưng đến tận năm 1956, bà mới sinh được con đầu lòng. Rắn đã hủy hoại bà, tưởng như bà không thể còn sinh nở được nữa. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra, bà có 3 người con trai.
Những nữ điệp báo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân. Bà Xuân Uyên đứng ngoài cùng bên phải (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)
Bà Xuân Uyên may mắn được giải cứu khỏi “địa ngục trần gian” Hỏa Lò và được tổ chức đưa trở lại Việt Bắc. Ở Việt Bắc, bà làm đủ mọi việc, làm hành chính, làm liên lạc, làm cán bộ cơ yếu của Nha Công an Trung ương...
Trong trạm của bà còn có người cô ruột, Lê Thị Nguyệt, bị bắt sau bà Xuân Uyên đúng một tháng. Bà Nguyệt rất đẹp, tóc dài lắm. Địch buộc tóc bà lên trần nhà tra tấn liên tục. Bà bị lột da đầu, phù nề nội tạng rồi chết. Day dứt, xót xa, đến cuối đời, bà Xuân Uyên vẫn trăn trở qua những lá đơn tìm người cô chết mất xác của mình.
67 năm sau, ngày 12-3-2014, bà Nguyệt được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ Công an nhân dân. Buổi lễ được tổ chức trang trọng, xúc động tại làng Đìa, thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, với sự chủ trì của lãnh đạo Cục Chính sách Bộ Công an (nay là Cục Tổ chức cán bộ), hai đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội và Hưng Yên, cùng chính quyền địa phương.
Lần giở những tư liệu của gia đình, tôi thực sự xúc động khi thấy chiếc phiếu cá nhân cán bộ của bà Xuân Uyên đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn được con cháu giữ thẳng nếp, do Ban Quốc tế nhân dân thuộc Đảng Lao động Việt Nam - Ban Chấp hành Trung ương cấp ngày 19-11-1976.
Đọc thông tin tuy chỉ gói gọn trong một trang giấy nhưng tôi càng thêm nể trọng sự phấn đấu, sự hy sinh thầm lặng của bà. Tham gia cách mạng từ 19-8-1945, chưa đầy 2 năm sau, ngày 25-7-1947, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trong 31 năm 3 tháng công tác, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng ba. Dù những vết thương chiến tranh không ngừng hành hạ nhưng bà vẫn khắc phục, phấn đấu vươn lên và đến khi nghỉ hưu năm 1976, bà giữ chức Phó phòng Ban Quốc tế nhân dân.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần bởi cảm xúc ùa về, cứ vơi đầy, như mới ngày hôm qua. Con trai bà kể, thời ở Việt Bắc, ông Xuân Oanh là bộ đội, là lứa đầu của Báo Cứu quốc, đảm nhiệm nhiều việc, vừa làm phóng viên, vừa làm họa sỹ, vừa phụ trách mảng văn hóa văn nghệ trong tòa soạn.
Mỗi lần được thủ trưởng thưởng cho một ngày nghỉ, ông lại băng rừng chạy xuyên đêm đến thăm người yêu và họ chỉ kịp cùng ăn với nhau một bát chè ở bìa rừng bên bờ suối Lê. Rồi đám cưới của bà diễn ra thật đơn sơ, ấm áp.
Đại diện nhà trai là bác Trịnh Liệt (bí danh Lưu Động), phụ trách Báo Cứu quốc; họ nhà gái là bác Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương. Chủ hôn là bác Lê Quang Đạo, sau này là Chủ tịch Quốc hội. Khẩu hiệu của đám cưới là “Tổ quốc trên hết”. Quà cưới to nhất là một rổ trứng luộc, cuối lễ, mọi người cùng liên hoan.
Trong đám cưới, ông Xuân Oanh hứng khởi, nhảy lên bàn đàn hát một loạt bài ngẫu hứng. Ngày hôm sau, địa điểm tổ chức đám cưới bị máy bay Pháp ném bom san phẳng.
Gia đình nữ điệp báo Lê Thị Xuân Uyên (ảnh chụp khoảng năm 1980, tư liệu do gia đình cung cấp)
Những năm cuối đời, bà Xuân Uyên phát bệnh thần kinh do di chứng của đòn thù không thể khắc phục. Bao ngày tháng đó, ông Xuân Oanh đã chăm sóc vợ bằng cả tình yêu thương và sự nhẫn nại, bền bỉ, học cả những việc mà đàn ông thường không biết đến. Ông sáng tác, phổ nhạc nhiều bài thơ trữ tình, đàn hát cho bà nghe để vơi bớt những cơn đau.
Ngày bà ra đi, nỗi đau khiến ông không rơi nổi nước mắt. Hằng đêm, ông vẫn cứ ngồi lặng lẽ trước bàn thờ bà. Người con trai út bé bỏng được mẹ yêu chiều nhất năm nào hay tin, vội từ nơi công tác xa về chịu tang. Thấy con trai lo lắng, ông Xuân Oanh đã nén nỗi đau thương, nhắc con “đừng lo cho bố, con không đi, mẹ chắc không nhắm được mắt”. Nghe lời cha, anh lại lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ.
Và như một mạch chảy ngầm, các con của ông bà cũng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân như bố mẹ họ đã sống, lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ tỏa hương cho đời.