Nhiều chất vấn đang chờ Thủ tướng

Thứ Năm, 01/11/2018 15:02

|

(CAO) Thời gian dành cho Thủ tướng trong phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ 15h50 phút chiều nay (1-11).

Theo chương trình phiên họp, từ 15h50 đến 16h35 chiều nay, sau khi phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Từ trước đó, đã có nhiều câu hỏi được đại biểu gửi đến Thủ tướng.

Gửi câu hỏi đến Thủ tướng về mức độ tín nhiệm cao thấp khác nhau giữa các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Thủ tướng có giải pháp gì để hoạt động của các thành viên chính phủ đều tay hơn?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn ĐBQH

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy ĐBQH ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và đánh giá tín nhiệm cao đối với Thủ tướng và một số Bộ trưởng, tuy nhiên kết quả lấy phiếu cũng cho thấy hoạt động của nhiều bộ trưởng hiệu quả chưa cao và vẫn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ trong hoạt động của Chính phủ.

Trong các phiên chất vấn trước đó, nhiều đại biểu cũng đã gửi đến Thủ tướng những băn khoăn về công tác cán bộ, hiệu quả sử dụng tài nguyên, các chính sách về nhà ở, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Cụ thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị: “Thủ tướng chia sẻ quan điểm về thực tế trong thời gian qua một số ngành, địa phương để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ nhưng không có một trưởng ngành, Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương nào bị xử lý”.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) thì đặt vấn đề về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép là vấn đề mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.

“Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 đến năm 2018 nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt” - đại biểu Linh phản ánh và yêu cầu Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và những giải pháp đột phá của Thủ tướng để xử lý triệt để thực trạng này.

Đại diện cho cử tri Đà Nẵng, đại biểu Võ Thị Như Hoa quan tâm đến việc thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng thu hồi để sửa lại về thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp phát sai; thu hồi số tiền 5% và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận trong một số các dự án đền bù, giải tỏa.

Tuy nhiên, để thực hiện kết luận này, đại biểu Hoa cho biết, chính quyền Đà Nẵng buộc phải hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch chuyển nhượng, xây dựng trên đất.

Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp cũng như phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn bởi hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã được giảm 5%, 10% đó và đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương.

“Tháng 6-2018, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Đề nghị Thủ tướng cho biết phương án xử lý vấn đề này như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp” - bà Hoa yêu cầu.

Khẳng định cử tri đang rất quan tâm và kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ trong việc trị “căn bệnh sợ minh bạch”, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chuyển câu hỏi của cử tri tỉnh Bạc Liêu tới Thủ tướng yêu cầu cho biết mức độ hài lòng của Thủ tướng về tính minh bạch của Chính phủ thời gian qua và giải pháp nào mang tính đột phá vào thời gian tới?

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) chất vấn Thủ tướng xung quanh sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ của các chính sách về nhà ở, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Bình luận (0)

Lên đầu trang