(CAO) Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tranh luận trở lại với người đứng đầu ngành giáo dục sau khi nhận được trả lời chất vấn của Bô trưởng vào phiên thảo luận sang nay (31-10).
Cuối phiên họp chiều 30-10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Nhạ về dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT
“Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách. Và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay” - đại biểu Hiền nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay.
Hồi đáp đại biểu Hiền vào sáng nay (31-10), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, quy định trong các thông tư là rất nhiều, Bộ đang rà soát từ nhiều năm gần đây thì thấy có quy định về vấn đề xử lý sinh viên bán dâm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
Theo Bộ trưởng Nhạ, nội dung này được quy định từ 2007, đến đầu năm 2016 lại có thông tư, qua rà soát thì nội dung này phải bỏ. Đánh giá người soạn thảo nội dung trên, Bộ trưởng cho rằng năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, còn khi nhận được thông tin bản thân ông đã xử lý ngay và quan điểm là không cẩn đưa nội dung đó vào thông tư nữa vì đây là phạm vi xã hội.
Liên quan đến việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Nhạ rút kinh nghiệm. “Quy định nào gây phản cảm gây bức xúc xã hội phải sửa ngay” - bà Ngân lưu ý. Cùng với việc đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo khắc phục trong nội bộ ngành, Chủ tịch QH đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng đừng bàn thêm việc này nữa.
Về chất vấn thứ hai của đại biểu Hiền liên quan đến lấy ý kiến học sinh trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng cho biết Bộ đã làm nhưng tới đây sẽ làm thực chất hơn. “Bộ đã đề nghị các Sở Giáo dục và đào tạo xin ý kiến thày cô, học sinh và cha mẹ học sinh. Tuy học sinh không trực tiếp quyết định vấn đề lớn nhưng Bộ phải lắng nghe” - Bộ trưởng nói.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Hiền nhấn mạnh, ngoài là một đại biểu Quốc hội thì bà còn là phụ huynh học sinh và bản thân bà rất lo ngại về năng lượng tiêu cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mang đến cho xã hội.
“Tôi chất vấn Bộ trưởng về vai trò người đứng đầu nhưng khi trả lời thì Bộ trưởng không nhận trách nhiệm là lại chuyển cho cá nhân khác” - đại biểu Hiền bức xúc.
Theo đại biểu này, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu và nhận thấy năng lực của bộ máy hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. “Tôi mong Bộ trưởng nhìn thẳng không tránh né để có giải pháp” - đại biểu Hiền nói.
Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm. Bà Ngân cũng lưu ý rằng Bộ trưởng mới đổ lỗi cho cán bộ thiếu năng lực của ngành chứ chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu.