Chia sẻ với PV Báo Công an TP.HCM bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của TVQH Nguyễn Thanh Hải ví TNV như “ổ mối” có thể làm sụp đổ những công trình kỳ vĩ.
Phóng viên: Tham nhũng “vặt” đã trở nên phổ biến đến mức người ta nhìn nhận nó như một việc bình thường. Sự bình thường này, theo bà, nó bất thường như thế nào?
Bà Nguyễn Thanh Hải: Tham nhũng "vặt" rất nguy hại, vì nó ảnh hưởng đến từng người, từng nhà, từng gia đình. Cứ nói “vặt” nhưng thực tế nó “nã” vào túi nhiều người dân nên tổng số tiền tham nhũng rất lớn.
Có những người dân dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn chấp nhận chi trả những khoản tiền để lo cho thủ tục hành chính được nhanh chóng, được thuận lợi. Nghĩa là, nó “vặt” nhưng đang diễn ra trên một phạm vi rất rộng.
Nguy hại hơn, nếu để quá lâu, TNV sẽ hình thành một hành vi ứng xử của người công chức, viên chức, cán bộ. Cứ phải có tiền, một chút thôi, nhưng phải có tiền thì người ta mới làm cái việc mà lẽ ra anh phải thực thi, và cái việc đó anh đã được chi trả bằng tiền lương.
Trưởng ban Dân nguyện TVQH Nguyễn Thanh Hải
- Như thế là đã có sự “thoả hiệp” giữa người dân và cán bộ công chức nhà nước để thực hiện hành vi tiêu cực này rồi, thưa bà?
+ Tôi rất lo lắng vấn đề này. Trong rất nhiều cuộc họp ở QH, TVQH tôi đều đã đề cập đến.
“Tiên trách kỷ hậu trách nhân” - thực tế là khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ cũng đã rất muốn công khai, minh bạch, nhưng người dân lại mong muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh hơn nữa sẵn sàng, tự nguyện chi trả một khoản tiền để đạt được mục đích. Ý thức tuân thủ pháp luật như vậy là rất kém. Cái khía cạnh xã hội vì vậy cũng rất đáng lo ngại.
- Vậy theo bà, giải pháp cho vấn nạn này là gì?
+ Theo tôi, song song với việc phòng chống những vụ tham nhũng lớn, cần quan tâm tìm ra các biện pháp hiệu quả hơn nữa để phòng chống TNV.
Tôi vẫn thường dùng hình ảnh là những công trình kỳ vĩ vẫn có thể bị phá hỏng bởi những ổ mối rất nhỏ. Nó cứ ăn dần, gặm nhấm dần và cuối cùng khiến cả một công trình có thể bị sụp đổ vì những cái lỗi rất nhỏ.
Do đó, tôi nghĩ rằng cần có những giải pháp cho vấn đề này, trong đó có việc nâng cao đạo đức công vụ, tuyên truyền với người dân về việc thực thi pháp luật. Nếu chậm trễ, TNV sẽ ăn mòn đạo đức xã hội, gây ra những ảnh hưởng lớn, rất lớn tới lòng tin của người dân.
- Nếu nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà cho đâu là lý do quan trọng nhất?
+ Tôi thấy nó xuất phát từ các quy định của pháp luật, các quy định này tạo ra các kẽ hở để cho những công chức, viên chức có thể nhũng nhiễu, có thể đòi hỏi được “lót tay”.
- Người ta vẫn nói đến lý do thu nhập thấp dẫn đến các hành vi trên. Theo bà, chúng ta có nên đặt vấn đề rằng đạo đức xuống cấp là do thu nhập chưa tương xứng không?
+ Tôi cũng đánh giá đó là một nguyên nhân, vì người ta vẫn nói rằng một hệ thống pháp luật nghiêm minh, chế độ lương, hỗ trợ công chức đầy đủ, hệ thống giám sát tốt thì người cán bộ công chức đó không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.
Việc cải cách thủ tục hành chính, giám sát của người dân, kể cả giám sát của các cơ quan dân cử của QH rồi dần dần sẽ hướng tới các quy định pháp luật chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế sẽ giúp cho quỹ lương cao hơn và hiện nay việc cải cách hành chính, ban hành chính sách đều đang hướng đến điều đó.
Nhưng trên đường hướng đó, tôi cho rằng còn phải phối hợp với công tác tuyên truyền và thay đổi thói quen. Thói quen chi tiền để làm nhanh, để “đi tắt đón đầu” cần được thay đổi.
- Làm tốt việc đó, bà tin sẽ có những thay đổi tích cực?
+ Hiện nay các ngành đã vào cuộc, các cơ quan giám sát rất nhiều, các phương tiện giám sát cũng nhiều, nhất là trong giai đoạn đang cắt giảm biên chế như thế này thì việc anh có hành vi tiêu cực rất dễ bị đưa ra khỏi bộ máy. Vì thế, với sự tham gia của báo chí, của người dân và đặc biệt là sự quyết tâm của cả hệ thống thì tôi tin việc này sẽ giảm.
Giảm thì chắc chắn nhưng bao giờ được như các nước khác thì vẫn còn là sự hy vọng.
- Cảm ơn bà!