(CAO) Báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố tại Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe cho biết, số trẻ em tử vong do ô nhiễm không khí trong năm 2016 trên thế giới lên đến 600.000 trẻ. Tại Việt Nam có hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Đây là hội nghị đầu tiên được WHO tổ chức về vấn đề này tại Thụy Sĩ, diễn ra từ ngày 30-10 đến 1-11-2018, nhằm chỉ ra những tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.
Không khí bị ô nhiễm thường có chứa những hạt sulfate và bụi đen (sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các chất hữu cơ) có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Các hạt bụi này có thể xâm nhập sâu và tích tụ trong hệ hô hấp, hệ tim mạch.
Các chất ô nhiễm này xuất hiện rất nhiều trong không khí ngoài trời tại những nơi có nhiều khí thải xe cộ hoặc nhà máy nhiệt điện, nhà máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Ngoài ra, chúng còn được tìm thấy trong vật liệu xây dựng, khói nấu ăn và các loại máy sưởi ấm trong phòng kín...
Hít nhiều khói bụi từ các loại động cơ đốt trong sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Đặc biệt, tại các TP lớn, khí thải từ phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu đột ngột hít phải lượng lớn khí độc trên rất dễ dẫn đến chóng mặt, khó thở, tăng nhịp tim và huyết áp, nôn ói… , thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Riêng trường hợp hít thở thụ động các loại khí độc này trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, ung thư, não, biến đổi gen.
Theo đó, báo cáo WHO cho thấy 93% trẻ dưới 15 tuổi đang phải hít thở không khí độc hại này mỗi ngày. Điều đáng nói, có đến khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong nhóm tuổi này, chỉ sau sinh non.
Không chỉ vậy, ngay cả thai nhi trong tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí nếu người mẹ thường xuyên tiếp xúc môi trường khói bụi.
Trẻ tiếp xúc trong môi trường khói thuốc thường xuyên dễ mắc các bệnh về hô hấp
Bởi lẽ, hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch và miễn dịch của trẻ vẫn còn đang trong quá trình phát triển chưa toàn diện nên trở thành đối tượng dễ bị tổn thương do ô nhiễm. Đồng thời, nếu trẻ hít nhiều khói bụi ô nhiễm có thể bị tổn thương vĩnh viễn não bộ.
Trước đó, WHO công bố, tại Việt Nam có hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Bao gồm: bệnh tim, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hô hấp,...