(CAO) Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào rạng sáng nay (9-3) theo giờ Hà Nội.
Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, 11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định CPTPP gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Bộ trưởng 11 nước tại lễ ký kết Hiệp định CPTPP
Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, với một thị trường 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD.
Tại lễ ký kết CPTPP, Bộ trưởng 11 nền kinh tế cũng đã đưa ra tuyên bố chung. Trong đó nhấn mạnh 4 nội dung chính bao gồm: thứ nhất, các bên tuyên bố ký kết hiệp định; thứ hai, khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Thứ ba, các bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ về thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất; thứ tư, các bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước, các nền kinh tế quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định CPTPP.
CPTPP sẽ tạo nên một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới
Hiệp định CPTPP tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP gồm 12 thành viên. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP.
Việt Nam được cho sẽ là nước hưởng lợi nhiều từ Hiệp định CPTPP. Theo hiệp định này, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm. Dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 1,3% và kim ngạch xuất khẩu cũng tăng thêm 4%. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế xâm nhập và tiếp cận sâu vào các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico và Peru. Đây là những thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại.