(CAO) Ngày 9/11, ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Hòa Phát đang đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất trên vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo ông Chung, toàn bộ vật chất này thành phần có đến trên 87% là cát còn lại là vỏ sò, bùn... được nạo vét từ việc làm 11 bến cảng của đơn vị phục vụ cho Nhà máy thép 60.000 tỷ đồng. Hoàn toàn không có m3 vật chất dư thừa nào ở trên bờ được đưa ra để nhận chìm xuống biển. Đây chỉ là việc di chuyển vật chất từ nơi này sang nơi khác, từ khu vực gần bờ ra vùng biển xa bờ hơn.
Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thống nhất thỏa thuận lại vị trí nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng dự án. Địa điểm dự kiến đã được UBND tỉnh lựa chọn nằm phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất – phía Tây Bắc 10km.
Đây cũng chính là khu vực mà các đơn vị khác như: Doosan, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn… nhận chìm trong quá trình thi công nạo vét làm bến cảng của các đơn vị này. Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ -51 đến -55m, độ dốc khoảng 2%.
Phối cảnh nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn cho rằng việc nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công là phương án khả thi nhất hiện nay, đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai dự án.
Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cũng như tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tại vị trí nhận chìm không có hệ sinh thái cần quan tâm đặc biệt như san hô, cỏ biển; tính đa dạng các sinh vật đáy thấp. Phạm vi phát tán lan truyền vật chất xa nhất là 4,62km về phía Tây Bắc và 2,96 km về phía Đông Nam, không phát tán rộng ra các vùng xung quanh.
Để nạo vét và nhận chìm số vật chất này, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành, có công suất từ 7000-35.000m3/chiếc. Sau khi hút vật chất lên khoang chứa của tàu, tàu sẽ di chuyển đến vị trí cần đổ, cửa khoang chứa (nằm dưới thân) sẽ tự động mở ra để xả.
Theo lãnh đạo Công ty Hòa Phát Dung Quất, để làm 11 bến cảng, Công ty phải hút cát, bùn ở khu vực này với tổng khối lượng nạo vét khoảng 19,370 triệu m3; đơn vị đã sử dụng gần 4 triệu m3 để san lấp mặt bằng khu đất của dự án. Do đó, tổng khối lượng mà Công ty Hòa Phát xin nhận chìm là khoảng 15,390 triệu m3.
Được biết, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2/2017. Dự án này triển khai xây dựng tại vị trí dự án thép trị giá đầu tư 4,5 tỷ USD có tên Guang Lian (Đài Loan -Trung Quốc) nhưng bỏ hoang hơn 10 năm nay ở khu kinh tế Dung Quất… với tổng diện tích đất sử dụng gần 373 ha, thời gian hoạt động 50 năm.
Công suất thiết kế của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất là 4 triệu tấn/năm, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với 2 triệu tấn thép/giai đoạn. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 60.000 tỷ đồng.