Cán bộ ở TP.HCM phục vụ người dân gấp đôi mức trung bình cả nước

Thứ Sáu, 09/11/2018 16:26

|

(CAO) Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM phục vụ 700 người dân, còn trung bình cả nước chỉ phục vụ khoảng 350 người dân.

Tại hội nghị triển khai thực hiện đề án ủy quyền và thu nhập tăng thêm do UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố, thành phố xác định năm 2018 chủ yếu sẽ tập trung vào công việc ban hành các văn bản.

Cụ thể, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc ban hành phí bảo vệ môi trường, phí đậu xe khu vực trung tâm, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, thông qua các dự án nhóm A, dự kiến cuối tháng 12/2018 trình đề án giảm học phí cấp trung học cơ sở, thông qua chương trình sữa học đường.

Cán bộ ở TP.HCM giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh minh họa

Về vấn đề thu nhập tăng thêm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, bình quân dân số thành phố gấp 7 lần dân số các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phục vụ 700 người dân, còn trung bình cả nước chỉ phục vụ khoảng 350 người dân.

Năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động của cả nước, công chức thành phố phục vụ gấp 2 lần so với mức trung bình công chức của cả nước.

Vì vậy, việc áp dụng thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức thành phố làm việc tốt hơn, phát huy sáng tạo, góp phần đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định.

Ngoài ra, cần thiết cán bộ, công chức có thể làm thêm ngày thứ 7 hoặc làm thêm 1-2 tiếng mỗi ngày để giải quyết hồ sơ, giảm ách tắc công việc của người dân.

Đối với vấn đề ủy quyền, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với đặc thù giải quyết khối lượng công việc lớn, phải làm nhanh và gần dân nên Quốc hội đã tin tưởng cho phép thành phố ủy quyền cho các quận, huyện giải quyết một số vụ việc.

Với 85-90 đầu việc đã được UBND thành phố ủy quyền cho các sở ngành, quận, huyện sẽ giúp UBND thành phố tập trung giải quyết các công việc lớn, phức tạp.

Trên các website của quận, huyện cũng cần cập nhật quy định mới, nội dung phân cấp để người dân biết, không phải lên sở, ngành của thành phố. Vì người dân và doanh nghiệp, UBND quận, huyện bên cạnh việc thận trọng cũng cần thực hiện quyết liệt việc ủy quyền. Việc thực hiện thu nhập tăng thêm và ủy quyền sẽ được sơ kết vào đầu tháng 4/2019 để rút kinh nghiệm và triển khai tiếp.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, thực hiện ủy quyền và thu nhập tăng thêm vừa là áp lực vừa là động lực nên thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, mỗi cán bộ, viên chức cần phát huy trí tuệ, trách nhiệm để hoàn thành tốt Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố.

Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu, UBND các quận, huyện, sở, ngành cần chuẩn bị nhân lực, đáp ứng công việc ủy quyền được giao. Bên cạnh đó, bám sát việc bình chọn cán bộ, công chức để áp dụng thu nhập tăng thêm một cách chính xác...

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, thu nhập tăng thêm thực chất là nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2018 -2020.

Mức điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, năm 2019 tối đa mức 1,2 lần và năm 2020 sẽ ở mức 1,8 lần. Trong năm 2018 dự toán ngân sách cho chi thu nhập tăng thêm của thành phố là 3.200 tỷ đồng, còn năm 2019 đã dự toán được hơn 7.200 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 của UBND TP.HCM, việc chi thu nhập tăng thêm chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước do thành phố quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được hưởng hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 80% so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.

Còn theo Quyết định 4712/QĐ-UBND ngày 20/10/2018 của UBND TP.HCM, thành phố đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện thực hiện toàn bộ công tác thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013, bán sở hữu nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, quản lý và tự cân đối sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án trừ những dự án do UBND thành phố ủy quyền cho Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Sở Xây dựng được ủy quyền quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở (trong đó có chung cư cũ)…

Trong khi đó, Quyết định 4713/QĐ-UBND ngày 20/10/2018, Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính tiếp nhận toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật, phương tiện do cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý khi chuyển giao, tổ chức bán đấu giá.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương.

Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao tiếp nhận, xem xét chấp thuận cho việc sử dụng lao động người nước ngoài, quyết định nhà thầu được tuyển lao động nước ngoài…

Thời gian thực hiện ủy quyền từ khi Quyết định 4712/QĐ-UBND và Quyết định 4713/QĐ-UBND nói trên có hiệu lực (20/1/2019) đến hết ngày 30/11/2022.

Bình luận (0)

Lên đầu trang