Chúng ta đã bỏ bê học nói
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) yêu cầu cần phải xem xét chương trình học, phương pháp giảng dạy để các cháu đến trường thấy vui, thấy thích đi học, chứ như hiện nay thì... căng quá. "Tôi thấy các cháu học trường quốc tế rất vui" - ông Ngân phản ánh và nhấn mạnh phải tính ngay việc giảm tải chương trình học.
Chưa hẳn đồng tình với quan điểm "đi học là phải vui", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: "Không nên quan điểm học sinh đi học phải vui, phải được chơi. Học hành cũng là nghĩa vụ, cần tạo lập cho học sinh kỷ luật học hành xong thì được chơi". Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng đồng ý rằng, trường công phải điều chỉnh chỗ này, tạo hứng thú học hành cho học sinh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thảo luận tại tổ
Cũng theo ông Nghĩa, lâu nay chúng ta bỏ bê việc học nói. "Cần phải chấm dứt việc nói ngọng ngay từ khi tốt nghiệp tiểu học" - ông Nghĩa nói và lưu ý rằng, việc nói ngọng sẽ ảnh hưởng tới viết, thuyết trình và ảnh hưởng cả uy tín một nền giáo dục.
Nêu hiện tượng có người có bằng cấp cao nhưng nói ngọng và viết sai chính tả, ông Nghĩa kể: "Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng bèn cho đi học lớp chữa nói ngọng để nói chuẩn trở lại".
Đại biểu TPHCM lưu ý, phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh. "Đạo đức mà xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại. Dù giáo dục tiên tiến đến đâu mà đạo đức có vấn đề thì giáo dục không ổn", ông Nghĩa khuyến cáo và đề nghị Luật Giáo dục dứt khoát phải giải quyết được câu chuyện đạo đức.
"Phải làm sao giáo dục học sinh thích làm người tử tế, thay vì thích làm người giàu. Luật Giáo dục cần đưa điều này vào, đề cao lòng yêu thương con người, yêu mến sự tử tế. Cả trong gia đình và nhà trường đều nên giáo dục 2 điều này" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Giáo dục chưa tìm được lối thoát
Bàn về chương trình, sách giáo khoa, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài thay vì cứ mất công đi mở ra những cái riêng. "Giáo dục mấy chục năm nay đã đổi mới mà vẫn trong vòng luẩn quẩn không tìm được lối thoát" - ông Phương trăn trở.
Còn đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) phàn nàn, câu chuyện sử dụng sách giáo khoa cũng cần phải được làm rõ. "Vừa rồi có mỗi cái tròn tròn vuông vuông thôi mà tranh cãi rất phức tạp" - ông Sinh phản ánh.
Theo ông Sinh, nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là sử dụng một chương trình nhiều Bộ SGK thì quy trình lựa chọn SGK phải là quy trình chuẩn. Chia sẻ quan điểm về bộ SGK của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đại biểu Sinh cho biết, vừa rồi nơi thì áp dụng, nơi thì bỏ, rất phức tạp.
"Cá nhân tôi đã đi dự giờ ở Hoà Bình và thấy kết quả rất tốt, nhưng nếu kiên quyết lựa chọn theo hướng này thì phải có quy trình chuẩn, và xác định rõ ai được quyền quyết định chứ không thể để cho hiệu trưởng quyết" - ông Phương lưu ý.
"Qua vụ vuông vuông tròn tròn cho thấy cần quan tâm tới ý kiến của phụ huynh học sinh, chứ không phải phải thích dạy con nhà người ta cái gì thì dạy" - ông Sinh nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương kiến nghị cần có quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm những mô hình mới, tránh tình trạng chương trình công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa kết luận là thí điểm nữa hay không. Việc này tạo ra cho người dân nhiều băn khoăn.
"Có thầy cô dạy thì ca ngợi, người khác lại không đồng tình vì cho rằng việc dạy như vậy triệt tiêu sáng tạo của giáo viên" - đại biểu Phương phản ánh.
Đại biểu này phân tích thêm: Theo hướng “công nghệ” thì cha mẹ cũng không dạy được con mà như GS Hồ Ngọc Đại lý giải là việc dạy học là một “nghề”, cần chuyên nghiệp hoá cho VNEN. Mô hình này, theo ông Phương, chỉ phù hợp với những quốc gia có địa hình phân tán, trong đó có thể có nhiều nhóm trẻ, nhiều bậc học trong một lớp nên phải chia nhóm.
Trong khi đó, để “xử lý” vấn đề đó cho phù hợp, Bộ Giáo dục lại giải thích là chia nhóm trẻ trong cùng một lớp chỉ để cho học sinh được độc lập phát triển.