Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:

“Tôi không né tránh, chính quyền thành phố cũng không né tránh”

Thứ Tư, 07/11/2018 12:34  | Hoàng Yến

|

(CAO) Sáng nay (7-11), tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng dự buổi gặp có Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp; ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP; ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP; ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2...

Người dân đến đăng ký dự buổi gặp với lãnh đạo TP.HCM

Đây là buổi gặp thứ 2 của Chủ tịch UBND TP với người dân Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trước đó, vào ngày 18-10, ông Phong đã có buổi gặp mặt đại diện hộ dân thuộc khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) - khu vực được xác định ngoài ranh quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương lắng nghe ý kiến của người dân

Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị bà con đến dự tiếp xúc giữ trật tự. Những yêu cầu, đề nghị liên quan đến các nội dung bên ngoài kết luận của Thanh tra Chính phủ, thì cứ trình bày kèm theo tài liệu, Chủ tịch UBND TP.HCM và Ban Tiếp công dân Trung ương đều tiếp thu, xem xét giải quyết hợp lý.

Tiếp đó, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM đọc thông báo kết luận số 1483, kết quả kiểm tra khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề về ranh quy hoạch, giải tỏa, giao đất tái định cư cho các dự án nhà ở... khiến phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM tại buổi gặp người dân

“Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra các dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để báo cáo kiến nghị Thủ tướng. UBND TP.HCM giao sở ngành, UBND Q.2 phối hợp với bộ ngành trung ương để rà soát, thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ. Đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra lên Thủ tướng. Thời hạn 50 ngày kể từ ngày 8-10-2018”, ông Tuyền cho biết.

Sau khi nghe 6 nội dung mà Chánh Thanh tra TP.HCM thông báo, nhiều người dân có mặt tại buổi gặp đã phát biểu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng của mình. Đại diện người dân gửi lời cám ơn đến Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đã đồng hành cùng người dân Thủ Thiêm trong suốt thời gian bà con đi khiếu nại về đền bù, giải tỏa.

“Chúng tôi rất vui mừng khi Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Hồng Điệp hiện diện tại buổi tiếp dân hôm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thất vọng vì thời gian qua trong việc giải quyết khiếu nại có tình trạng né tránh, đùn đẩy khiến sự việc khiếu nại cứ kéo dài”, một người dân cho biết.

Người dân nêu ý kiến, nguyện vọng của mình tại buổi gặp gỡ

Ông Nguyễn Văn Khương - một người dân đặt vấn đề với Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan. “Trong buổi họp báo định kỳ tháng 10 vừa qua, ông có công bố trước công luận căn cứ vào các quyết định và các bản đồ… nay UBND TP xác định được ranh quy hoạch Thủ Thiêm, đặc biệt 4,3ha nằm ngoài ranh. Bà con chúng tôi yêu cầu ông cung cấp tất cả các bản đồ, chứng cứ ông nói. Nếu đúng như đất của chúng tôi nằm trong ranh thì chúng tôi sẽ chấp nhận giao”.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP thông tin tại buổi gặp mặt người dân

Trước yêu cầu này, ông Võ Văn Hoan cho biết: “Bây giờ khó xác định bản đồ nào vì các bản đồ rất giống nhau, chỉ khác nhau về ranh thôi. Thời điểm cách đây 20 năm, người ta có bản đồ chung để kẻ ra các bản đồ như giao thông, điện, nước… Mỗi một bản đồ cụ thể có ranh 4,3ha, có bản đồ không thấy. Thậm chí trong một bản đồ có chỉ tiêu quy hoạch, không có một số chỉ tiêu khác".

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp thăm hỏi người dân

Sau khi nghe nhiều ý kiến của bà con, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ, trong quá trình thực hiện kết luận, người dân đều có quyền khiếu nại, tố cáo. Quá trình thực hiện có những nội dung mới, hoặc chưa đúng, chưa phù hợp vẫn có quyền kiến nghị.

“Bà con bức xúc chúng tôi biết. Tôi đề nghị đừng quy chụp, chúng tôi chạnh lòng. Ai sai người ấy chịu, không quy chụp chung”, ông Điệp nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh, quận 2

Cuối buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Tôi không né tránh. Chính quyền thành phố cũng không né tránh”. Ông Phong nói tiếp: “Nếu bà con hỏi tôi có thật tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm hay không, xin thưa là nếu không thật tâm, tôi không dành nhiều thời gian để lắng nghe cặn kẽ tất cả kiến nghị của bà con. Sắp tới, tôi sẽ tiếp người dân 3 phường còn lại nữa, đó là các phường: Thủ Thiêm, An Khánh và An Lợi Đông để lắng nghe thêm”.

Liên quan đến 160ha tái định cư và các dự án ảnh hưởng đến việc tái định cư này, hiện TP phối hợp với tổ công tác của Chính phủ, cái nào sai phải sửa, liên quan trách nhiệm cá nhân, tổ chức nào là phải nghiêm khắc.

Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ TP luôn mong muốn người dân chia sẻ, có sự đồng thuận để cùng hướng đến những kết quả tốt hơn, vấn đề Thủ Thiêm sớm được giải quyết để người dân ổn định cuộc sống, chính quyền TP có thời gian tập trung xây dựng, phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP nói chung.

Tại buổi tiếp xúc, Tổ công tác về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thông tin về 10 điểm bất hợp lý của chính sách để người dân cho ý kiến, gồm:

1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ tính theo quyết định thu hồi đất (từ 10-5-2002).

2. Điều chỉnh mức hỗ trợ chi phí bồi thường và tái định cư đưa về thời điểm quyết định 1997, không tính thời điểm quy hoạch tháng 6-1998 đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15-10-1993 đến trước 16-9-1998.

3. Hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15-10-1993 đến trước 16-9-1998, có hai phần: mức hỗ trợ và tái định cư.

4. Hỗ trợ đối với trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, mục đích sử dụng đất ở đến 16-9-1998 đến ngày 10-5-2002.

5. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh, thời điểm chuyển mục đích thành đất ở trước ngày 15-10-1993.

6. Hỗ trợ với các tường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý, với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh và thời điểm chuyển mục đích thành đất ở từ 15-10-1993 đến ngày 10-5-2002 sẽ xét hỗ trợ về đất cũng như hạn mức xét hỗ trợ về đất ở.

Theo ông Hưng, trong diện này có khoảng 2.000 hộ nên tổ công tác chưa nêu được chi tiết hơn.

7. Nhà ở, đất ở bị giải tỏa một phần.

8. Đối với các trường hợp đã chuyển mục đích, cho thuê, cho người khác ở nhờ. Trước đây nhóm này tính là đất nông nghiệp không dùng để ở, nay được đề nghị xem xét điều chỉnh.

9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ tổng khuôn viên đất ở.

10. Xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp tự chuyển mục đích sau ngày 10-5-2002.

Bình luận (0)

Lên đầu trang