Lý giải việc vì sao CPTPP không đưa ra trưng cầu ý dân

Thứ Hai, 12/11/2018 14:05

|

(CAO) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ điều này khi giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chiều nay (12-11).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, quá trình thảo luận tại tổ và hội trường về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, có ý kiến cho rằng việc trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại thời điểm này là chưa phù hợp.

Các ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể, lượng hóa các tác động, rủi ro đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể cũng như lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động;  trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thay mặt TVQH báo cáo giải trình, tiếp thu

Giải trình các nội dung này, UBTVQH cho biết, Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện nay, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30-10-2018.

“Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới” - báo cáo nêu rõ.

Về đánh giá tác động, lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu sự tác động, UBTVQH khẳng định, hồ sơ trình và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội.

Quá trình đàm phán Hiệp định, bằng các hình thức khác nhau, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; các Bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như đã được trình bày trong Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ chỉ đạo đăng tải nội dung của Hiệp định trên cổng thông tin của Bộ Công thương.

Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định của Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và theo khoản 3 Điều 77 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế.

Về ý kiến cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, UBTVQH thông tin: Căn cứ Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu ý dân chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Trước ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ sự tương thích nội dung Luật Tố cáo với Hiệp định CPTPP, UBVTQH giải trình: Theo Điều 26.10, Chương Minh bạch hóa và Chống tham nhũng của Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải có biện pháp phù hợp cho phép tố cáo nặc danh.

Theo quy định của Điều 25 Luật Tố cáo, tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Về ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.

Nhận thấy các ý kiến của các vị đại biểu là xác đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ, cho biết Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo cáo giải trình nêu rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang