Trong đó công cuộc tinh giản bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đang được tiến hành và ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, mà đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo…
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm là bước đột phá quan trọng về tư duy, bởi lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng đã chỉ ra một cách rõ ràng: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn…”. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi…”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
“Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước”.
Tổng Bí thư yêu cầu: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm...
“Tất cả do mình!” - đó là thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm gióng lên một hồi chuông thúc giục cả hệ thống chính trị vào cuộc để bắt tay đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thực thi và hành động.
Một góc thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Bài phát biểu này mở đầu cho những đề xuất và thực hiện những cuộc cải cách triệt để tiếp theo, trong đó có việc thực hiện “cuộc cách mạng” tinh giản biên chế triệt để qua tổng kết Nghị quyết 18. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội sáng 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nhiều đại biểu băn khoăn liên quan cơ chế chính quyền đô thị thế nào, cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước thế nào làm sao cho hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư nêu rõ đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Tổng Bí thư dẫn chứng hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Và một cuộc cách mạng tinh giản bộ máy bắt đầu, do chính Tổng Bí thư phát động, quyết liệt và triệt để qua việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ra đời từ ngày 25/10/2017. Nếu đọc kỹ nghị quyết này và các vấn đề liên quan đến công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, các vấn đề này đã được Nghị quyết 18 nêu rất cụ thể. Điều đó cho thấy Đảng đã nhận thức rõ sự cồng kềnh của bộ máy, dẫm chân lẫn nhau.
Và để thay đổi, Tổng Bí thư yêu cầu phải xem việc tinh gọn bộ máy như một cuộc cách mạng. Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “... Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...”.
Dấu ấn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong năm 2024 còn đậm nét trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được công bố ngày 22/12/2024. Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Các chỉ đạo có tính chất chiến lược của Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng trong thời đại chuyển đổi số, chuyển đổi AI, mà mục đích cuối cùng là đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thay đổi hoàn toàn chất lượng nền kinh tế. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.