Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi:

Nghị quyết 57 mở ra cơ hội phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Thứ Bảy, 25/01/2025 16:19

|

(CAO) Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu rất cụ thể, giúp đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới. Với vai trò là trung tâm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong thời gian qua TPHCM đã có những đầu tư và đạt những kết quả ở lĩnh vực này.

Chia sẻ xung quanh nội dung trên, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra cơ hội cho việc phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của TPHCM...

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Thưa đồng chí, vừa qua, Bộ Chính trị có ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vậy, TPHCM đã chuẩn bị gì cho việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 57?

Đồng chí Phan Văn Mãi: TPHCM là trung tâm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian vừa qua, Thành phố cũng đã có những đầu tư, những bước đi và những kết quả trong lĩnh vực này. Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra cơ hội cho việc phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của TPHCM; và TP sẽ tập trung vào một số điểm.

Thứ nhất, là rà soát đầu tư để có một hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đồng bộ và hiệu quả hơn. Thứ hai, Thành phố sẽ tập trung vào đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nguồn nhân lực trong khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chung trong các doanh nghiệp và cộng đồng. Thứ ba, Thành phố sẽ xây dựng các cơ chế chính sách trên nền tảng của Nghị quyết 98 và Nghị quyết 57 nhằm huy động tất cả các nguồn lực.

Ở đây, không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là nguồn nhân lực, ví dụ như các nhân lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở bên ngoài có thể quay trở về. Có thể là ở bên ngoài nhưng kết nối với thành phố để làm sao thành phố có được nhiều hơn các nguồn lực về con người, về tài chính và các điều kiện khác để có thể phát triển, có tính chất bứt phá trong thời gian sắp tới.

Xin đồng chí cho biết thời gian qua, Thành phố có các chính sách thu hút các nguồn lực như thế nào? Vì đâu đó, vẫn còn những trở ngại trong vấn đề thu hút nguồn nhân lực bên ngoài vào, hay là các chính sách hỗ trợ sinh viên trong đổi mới sáng tạo?

Cụ thể vừa rồi, Thành phố có một số chính sách, như chính sách về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thuế thu nhập cá nhân cho người làm đổi mới sáng tạo, chính sách thu hút nhân lực khoa học công nghệ vào các vị trí, rồi chính sách hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ các chi phí khác cho các hoạt động khởi nghiệp.

Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra cơ hội cho việc phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tức là, các chính sách này sắp tới sẽ được Thành phố tiếp tục thực hiện. Ví dụ như sẽ có đầu tư cho doanh nghiệp, đầu tư khoa học công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới thì sẽ có chính sách hỗ trợ. Thành phố sẽ có những cơ chế đầu tư bằng hỗ trợ lãi suất hay là hợp vốn, hay là tài trợ không để mình có được một hệ thống gọi là hạ tầng, các cơ sở vật chất cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ hai là chính sách về con người, về đào tạo. Trong một số lĩnh vực hẹp, nhóm hẹp Thành phố sẽ nghiên cứu chính sách đó, có thể là học phí hoặc những hỗ trợ để đào tạo cho nguồn nhân lực về chuyển đổi số, về khoa học công nghệ, hay những chi phí đi dự hội thảo quốc tế, tham gia các công trình nghiên cứu quốc tế, cũng như những công bố quốc tế. Thành phố sẽ có những nghiên cứu chính sách liên quan đến những vấn đề này. Còn cụ thể, từng lúc, khi làm sẽ có những chi tiết liên quan đến việc tăng mức đầu tư xã hội.

Thứ ba là cơ chế đầu tư, từ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu và hoạt động mua sắm phục vụ cho nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, các phòng lab. Nếu gỡ những quy định, doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn.

Vừa rồi, sau khi Nghị quyết 57 ban hành, Thành phố đã tổ chức hai cuộc họp. Sắp tới, trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, chúng tôi sẽ có đề cập chi tiết về vấn đề này. Kế hoạch này dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 1, chậm nhất là trong tháng 2/2025.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, TPHCM sẽ làm gì để không ai bị bỏ lại ở lĩnh vực này?

Đối với chuyển đổi số, Thành phố tập trung vào cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các kết quả đã được thể hiện rất rõ trong từng mảng. Đối với chính quyền số, Thành phố cố gắng đến cuối năm 2025 giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình đạt 80%, ít nhất là 80%.

Như vậy, các ứng dụng, ví dụ như công dân số, sẽ là một kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Chúng tôi cung cấp các thông tin hướng dẫn từ phía chính quyền cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời người dân và doanh nghiệp cũng phản ánh các thông tin đến với chính quyền. Tạo ra một sự tương tác thường xuyên để chính quyền có sự điều chỉnh, làm sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển và ý kiến của người dân cũng như doanh nghiệp.

Thông qua công dân số, người dân cũng có thể thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, đó là chính quyền số. Chúng tôi ưu tiên để đến cuối năm nay đạt được ít nhất 80% các hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến. Về kinh tế số, đây là một mảng mà thành phố sẽ tập trung rất cao trong năm 2025, trong đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay nói chung là doanh nghiệp của thành phố, chuyển đổi số mạnh mẽ.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ xác định những lĩnh vực trọng tâm để có đầu tư từ phía ngân sách, nhằm có cơ chế chính sách. Đây cũng là nội dung để thực hiện Nghị quyết 57. Ví dụ, chúng tôi đang nghiên cứu những cơ chế chính sách như các doanh nghiệp, các ngành trong những lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp lớn muốn chuyển đổi số hay phát triển khoa học công nghệ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ thành phố, ví dụ như 30%, thậm chí là hỗ trợ 100%.

Thành phố sẽ nghiên cứu hỗ trợ các nền tảng và ứng dụng dùng chung cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ việc đào tạo nhân lực trong các doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ tại các doanh nghiệp của thành phố sẽ có bước chuyển trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung vào nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ thông tin, để từ đây trở thành hạt nhân, lõi của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp lớn ứng dụng chuyển đổi số sẽ có tác động lan tỏa; và các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ tham gia với hai tư cách: Tư cách thứ nhất là người cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.

Tư cách thứ hai là chúng tôi cũng phải đổi mới sáng tạo, như vậy sẽ tác động lan tỏa. Phần kinh tế số, chúng tôi sẽ tập trung vào mục tiêu đó, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu năm 2025, đó là tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 25%, mà còn hướng đến mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP của thành phố đến năm 2030, đó là phải hướng đến 40%.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm Công ty TNHH Lập Phúc (Quận 7), doanh nghiệp có doanh thu của sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ 90% so với tổng doanh thu của công ty

Về việc hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, giới thiệu nhiều ứng dụng mà có thể cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và đặc biệt là trong các lĩnh vực như là y tế, giáo dục, việc làm, an sinh thì chúng tôi sẽ có những đầu tư để mọi người có thể là tiếp cận được với y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc làm thông minh, an sinh xã hội. Chúng tôi sẽ có những đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, làm sao để mọi người có thể tiếp cận với y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc làm thông minh.

Về an sinh xã hội, mọi người đều được tiếp cận. Chúng tôi nghĩ rằng trong một quy mô dân số trên mười triệu dân, nếu nói không để ai bị bỏ lại phía sau, đó là mục tiêu và mong muốn của chúng ta. Tất nhiên, khi chúng ta thiết kế theo tính chất hệ thống như thế này, mọi người đều có cơ hội tham gia.

Chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để tích hợp các tiện ích, làm sao trên ứng dụng công dân số, người dân và doanh nghiệp có thể nêu các yêu cầu của mình. Thành phố sẽ ghi nhận và có giải pháp để giải quyết thông qua sự tương tác này. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được, ít nhất là trong mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang