Những sự kiện giáo dục nóng nhất trong năm qua

Thứ Bảy, 06/02/2016 11:05

|

(CAO) Kỳ thi THPT Quốc gia được đánh giá là sự kiện giáo dục thu hút sự quan tâm nhất của dư luận trong năm 2015.

1. Kỳ thi THPT Quốc gia

Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục triển khai kỳ thi 2 trong 1. Từ việc phải đối mặt với 2 kỳ thi: Tốt nghiệp và Đại học, nay thí sinh chỉ còn phải tham dự một kỳ thi chung.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Ngày 1/7, hơn 1 triệu học sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia tại 38 cụm thi trên cả nước (trong đó 816.830 em dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp và 52.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối GDTX).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia năm 2015 cho biết, kỳ thi năm nay đã đạt mục tiêu chúng ta theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương là kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực cho xã hội, gia đình và thí sinh. Đồng thời cũng phản ánh đúng chất lượng giáo dục, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong năm đầu tiến hành kỳ thi chung: cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn đến việc trang web của Bộ Giáo dục bị tắc nghẽn nhiều giờ khiến thí sinh không thể truy cập để đăng ký, Việc cho phép nộp - rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài tới 20 ngày khiến tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ở một số trường.

2. Bộ Giáo dục cấm thi tuyển vào lớp 6

Giữa tháng 3/2015, Bộ GD-ĐT đã phát đi một công văn do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, hướng dẫn cụ thể hơn về việc không thi tuyển vào lớp 6. Công văn này cho biết: Trong quá trình thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, một số sở GD-ĐT đã đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường THCS có số lượng HS đăng ký vào học vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ giáo dục nghiêm cấm tổ chức thi vào lớp 6. Ảnh: VnExpress

Công văn này đã gây ra sự lúng túng cho nhiều trường THCS trên địa bàn cả nước trong quá trình tuyển sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các trường thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo hình thức xét tuyển. Một số trường tại TP.HCM tiến hành xét tuyển bằng việc khảo sát năng lực ngoại ngữ.

3. Đại học Tôn Đức Thắng tự phong giáo sư

Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu. Lãnh đạo trường giải thích, việc bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn nhằm nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn; ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và nhà trường; xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM)

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà quản lý giáo dục đã tranh cãi, phản ứng việc trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm GS, PGS là sai với quy định hiện hành và thách thức pháp luật, tuy nhiên, gạt qua những góp ý đó trường đã công bố hướng dẫn bổ nhiệm GS,PGS của trường.

4. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y, Dược

Ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.

Cơ cở đào tạo của Đại học Kinh doanh và Công nghệ ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: VnExpress

Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược. Ông Vũ Văn Hóa (Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo việc đào tạo hai ngành Y, Dược theo đúng quy định. Các giảng viên cũng là những người từng dạy ở Đại học Y Hà Nội và làm việc trong các bệnh viện của Hà Nội.

5. Tích hợp môn Sử

Đầu tháng 8, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh chỉ học 7-8 môn (THCS) và còn 4 môn bắt buộc (THPT).

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

Đồng thời, lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, Lịch sử tích hợp môn Cuộc sống quanh ta; lớp 4, 5 là Tìm hiểu xã hội; bậc THCS là Khoa học xã hội và THPT tích hợp Công dân với Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu lịch sử đã phản đối kịch liệt trước đề xuất này. Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 8/12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Sử thi đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.

Bình luận (0)

Lên đầu trang