Công an TPHCM: Nỗ lực không ngừng vì những người dân yếu thế

Thứ Hai, 26/02/2024 22:59  | Ngọc Anh

|

(CATP) Những ngày cuối năm 2023, khi nhà nhà đang chuẩn bị Tết thì các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - Công an (CA) TPHCM vẫn tất bật lên đường phối hợp với CA địa phương để trao giấy khai sinh (GKS), Thông báo số định danh cá nhân (ĐDCN), căn cước công dân (CCCD) cho các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt tại Trung tâm dưỡng lão Vinh Sơn, Q.Bình Thạnh và Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, Q12. Đây chỉ là một trong những đợt trao giấy tờ tùy thân nằm trong Kế hoạch 1878 (kế hoạch giải quyết cư trú và cấp CCCD cho nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TPHCM) của Ban Chỉ đạo Đề án 06 TPHCM với phương châm "Để không ai bị bỏ lại phía sau".

Niềm hạnh phúc muộn màng

Tờ GKS hay thẻ CCCD đối với đa số người dân là chuyện hết sức bình thường nhưng đối với một số người lại là mơ ước lớn lao bởi cả đời họ luôn đau đáu câu hỏi: "Họ là ai, từ đâu đến và tại sao không được thừa nhận như đa phần những người xung quanh". Cụ bà Nguyễn Thị Thương, hơn 80 tuổi, không kìm được niềm vui khi cầm tờ GKS bởi với cụ, đó là niềm mong mỏi, là ước nguyện cuối cùng của cuộc đời. "Tôi mừng dữ lắm, nghe tin có GKS mà mấy đêm rồi tôi không ngủ được. Cám ơn các anh CA đã giúp tôi thỏa niềm mong ước", cụ Thương chia sẻ. Một người phụ nữ khác là bà Mai Thị Chính thì mân mê mãi tờ GKS vừa được nhận, ánh mắt không rời tờ giấy mà trên đó có tên của bà, có ngày, tháng, năm sinh, có những thông tin cơ bản của một con người và điều đó đồng nghĩa với việc bà sẽ được làm CCCD, có bảo hiểm y tế (BHYT) để khám chữa bệnh...

Các cụ già ở Nhà dưỡng lão vui mừng khi được nhận Giấy khai sinh

Nhiều lắm những bạn bè ở cùng nhà dưỡng lão với bà cũng có chung niềm vui đó. Họ là những mảnh đời kém may mắn, trải qua nhiều gian truân, vất vả. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không nhớ được bản thân là ai, quê hương nguồn cội ở đâu. Họ đã từng nghĩ cứ thế rời khỏi cuộc sống này như cát bụi mà không được định danh, nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các CBCS CA và các sở ban ngành, đã thực sự mang lại cho họ niềm vui cuối đời. Không chỉ được cấp GKS, các cụ già trong trung tâm còn được các CBCS mang máy móc, thiết bị đến tận giường, làm thủ tục cấp CCCD bởi việc đi lại với họ là điều hết sức khó khăn, nan giải. Rời Nhà dưỡng lão Vinh Sơn, các CBCS lại đến với Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người bị bại liệt Thạnh Lộc. Tại hai trung tâm, có hơn 100 trường hợp được cấp GKS, thu thập thông tin cấp CCCD và cấp mã định danh điện tử trong ngày 01/02/2024, ngay trước thềm xuân Giáp Thìn.

Trước đó ít ngày, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CA TPHCM cũng đã phối hợp với CA xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TPHCM đến tận nhà trao GKS và quà Tết cho 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Tân Kiên. So với những người sống trong trung tâm bảo trợ xã hội, dù không có giấy tờ tùy thân nhưng vẫn có cái ăn, cái mặc, ốm đau bệnh tật được đưa đi bệnh viện, những người sống ở ngoài xã hội không có giấy tờ tùy thân gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ông Võ Văn Tư (SN 1955, ngụ ấp 4, xã Tân Kiên) sinh ra ở Gò Vấp, sau về Q6 sinh sống. Bị bắt đi lính chế độ cũ, ông Tư trốn về nên không có giấy tờ lận lưng. Lấy vợ là bà Hà Nguyệt cùng cảnh nghèo như nhau, ông bà dắt díu nhau về quê vợ ở xã Tân Kiên sinh sống bằng nghề nhặt ve chai. Trong một lần đi làm, ông bị tai nạn, từ đó ông nhớ nhớ, quên quên. Do không có GKS, không có thường trú, ông Tư không được mua BHYT. Ông ốm đau bệnh tật liên miên nhưng bà Nguyệt không dám đưa ông đi viện bởi việc chi trả viện phí nằm ngoài khả năng của bà. Nhìn chồng sống lay lắt, xót xa lắm nhưng bà đành chịu. Ông Tư được làm GKS, bà như người chết đuối vớ được phao cứu sinh, mừng không nói nên lời.

Làm CCCD cho các cụ già ở Nhà dưỡng lão

Anh Phạm Văn Lâm (SN 1959, tổ 10A ấp 1, xã Tân Kiên) là trẻ mồ côi, sống trong một cô nhi viện ở An Lạc trước năm thống nhất đất nước. 14 tuổi, anh trốn khỏi cô nhi viện và từ đó sống lang bạt, không giấy tờ tùy thân. Gặp người phụ nữ cùng cảnh ngộ, họ gá nghĩa với nhau nhưng không may, vợ anh mất sớm, từ đó Lâm lại tiếp tục cuộc đời đơn độc. Được cấp GKS, anh Lâm rưng rưng nước mắt: "Sống hơn 50 năm trên cuộc đời, lần đầu tiên tui có cái giấy lận lưng". Đồng chí Thịnh, CSKV vỗ vai anh Lâm động viên: "Vui lên anh! BHYT cho anh, tui cũng vận động mua luôn rồi đó, chờ Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, đi làm CCCD nữa nhen!". Nghe thế thôi, người đàn ông đã tới lưng chừng dốc bên kia của cuộc đời vui đến nghẹn lời. Anh Lâm nói, có CCCD rồi, anh có thể xin việc chứ xưa giờ ai thuê gì làm nấy vì không ai nhận một người không giấy tờ, không lai lịch như anh.

Họ chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nhân khẩu đặc biệt được Ban Chỉ đạo Đề án 06 TPHCM quan tâm, giải quyết làm giấy tờ tùy thân theo kế hoạch đề ra mà lực lượng CA là nòng cốt. Để có được tờ GKS cho những người yếu thế là sự nỗ lực to lớn của lực lượng CA từ địa phương tới CATP, cùng sự trợ giúp của ngành tư pháp, ngành lao động - thương binh & xã hội bởi quá trình khai thác thông tin đối với những trường hợp này cực kỳ khó khăn (người bị bệnh tâm thần, người là trẻ mồ côi, người vô gia cư...). Từ lượng thông tin ít ỏi có được, CA sẽ xác minh bước đầu. Sau khi có thông tin tương đối, hồ sơ của họ sẽ được chuyển qua Tư pháp xã để xác minh một lần nữa trước khi cấp GKS.

Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau

Thực hiện Kế hoạch 1878/KH-BCĐ, Ban Chỉ đạo Đề án 06 TPHCM, các đơn vị quận, huyện và TP.Thủ Đức đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Kết quả rà soát xác định có 3 trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam nhưng đã được giải quyết đăng ký thường trú, cấp CMND/CCCD: hiện đã lập 3 hồ sơ để quản lý, xử lý. Người được cho thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định nhập quốc tịch Việt Nam nhưng chưa xóa đăng ký thường trú: hiện có 385 nhân khẩu và đã lập 385 hồ sơ để quản lý, xử lý. Đối với 385 nhân khẩu trên, CA các đơn vị đã lập hồ sơ quản lý, tuy nhiên chưa có đầy đủ thông tin về Quyết định thôi/bị tước quốc tịch/bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam để làm căn cứ thực hiện thủ tục liên tục xóa đăng ký thường lệ theo quy định.

Cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho học viên tại các cơ sở cai nghiện

Con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam có 8 nhân khẩu đã cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC). Các trường hợp chưa xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký thường trú, cấp CCCD: hiện có 36 trường hợp và đã cập nhật thông tin trên CSDLQG về DC. Về nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân, tổng số hiện có 2.717 trường hợp đã cập nhật thông tin trên CSDLQG về DC. So với thời điểm trước khi có Kế hoạch 1878/KH-BCĐ là 2.769 nhân khẩu. Cụ thể, tổng số nhân khẩu đã được giải quyết là 1.885 nhân khẩu. Trong đó, 1.885 trường hợp đã được cấp Thông báo số ĐDCN và đăng ký cư trú; đăng ký thường trú và cấp CCCD cho 487/1.885 nhân khẩu (đạt 25,8%). Tổng số nhân khẩu rà soát phát sinh 1.833 nhân khẩu. Tổng số nhân khẩu hiện tại đã lập hồ sơ xác minh và phối hợp Tư pháp cấp GKS là 2.717 trường hợp.

Đối với nhân khẩu đặc biệt trong các cơ sở bảo trợ, Tổ công tác TPHCM đã phối hợp Ban Chỉ đạo Đề án 06 Q12, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp, H.Củ Chi và TP.Thủ Đức tổ chức phối hợp thực hiện công tác khai thác, thu thập dữ liệu dân cư, cấp ĐDCN, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 14 trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Đến nay, Tổ công tác đã phối hợp, tiếp xúc làm việc 2.934 trường hợp, trong đó có 1.850 trường hợp đã được cấp Thông báo số ĐDCN, cấp CCCD cho 1.201/1.850 trường hợp đủ điều kiện, còn lại 649/1.850 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp CCCD và 1.084 trường hợp chưa có số ĐDCN và chưa được cấp CCCD.

Đối với 1.084 trường hợp chưa có số ĐDCN và chưa được cấp CCCD, Tổ công tác đã hướng dẫn CA cấp xã thực hiện việc tham mưu báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác cấp xã và phối hợp với Tư pháp để thực hiện việc cấp GKS. Tại các trung tâm cai nghiện, Tổ công tác TP đã phối hợp CA tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng tổ chức cấp CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử mức 2 và thu thập thông tin dân cư, cấp ĐDCN, đăng ký cư trú cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt tại 2 cơ sở cai nghiện ma túy Phú Văn và cơ sở cai nghiện ma túy số 2 với kết quả: cấp CCCD gắn chíp cho 400 trường hợp, trong đó cấp mới cho 61 trường hợp; cấp đổi 1 trường hợp; cấp lại 338 trường hợp. Thu thập thông tin dân cư, cấp ĐDCN và đăng ký cư trú cho 25 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt.

Trong năm 2024, TPHCM sẽ tập trung rà soát, sàng lọc theo từng diện và loại nhân khẩu đặc biệt để thống nhất phương pháp thực hiện làm sạch với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau" và "vướng đến đâu, gỡ đến đó” giải quyết số tồn đọng để mang lại niềm hạnh phúc cho những người yếu thế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang