Quốc hội quyết định bổ sung hơn 966 tỷ đồng cho sân bay Long Thành

Thứ Tư, 29/11/2023 09:35

|

(CAO) Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo Quốc hội; chỉ đạo bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng 29/11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc. Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6 với 100% đại biểu có mặt. 

Tại Nghị quyết này, Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành đến hết ngày 31/12/2024. Quốc hội cũng bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6

“Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo Quốc hội; chỉ đạo bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan” - Nghị quyết nêu.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị, Dự án tái định cư sân bay Long Thành nếu không sử dụng hết vốn có thể phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác, hay bố trí tái định cư cho các dự án quan trọng quốc gia khác…

Tuy nhiên, do các ý kiến trên là nội dung mới, Chính phủ không đề nghị trong các tờ trình; Quốc hội cũng không thảo luận nội dung này, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa có cơ sở đưa vào dự thảo nghị quyết.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, nội dung kiến nghị của đại biểu là việc điều chỉnh phạm vi dự án, thuộc thẩm quyền của người quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Cũng tại Nghị quyết kỳ họp 6, Quốc hội đồng ý các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (còn 8%) từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Mức thuế giảm này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại Nghị quyết số 43, gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ được giao tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp 7 (giữa năm 2024).

Tại kỳ họp 6, Quốc hội thông qua 7 luật và 9 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với 8 dự án luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết

Quốc hội cũng cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất. Việc này để đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được thông qua; đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Vẫn theo Quốc hội, phải có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phải xử lý nghiêm.

Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục được yêu cầu chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, tổ chức cán bộ…); kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang