(CATP) Cần thay đổi nhận thức, không quá hoảng loạn trước dịch bệnh. Lấy phòng, ngăn ngừa làm chính. Chữa trị, dập tắt là điều phải nhanh chóng thực hiện khi dịch bùng phát.
Ở nước ta mọi người đã quen với việc sống chung. Trong đó, việc sống chung với lũ đã có từ rất lâu với bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm đến mùa nước về, mang lại bao nhiêu niềm vui cho người dân như tôm cá, thủy sản, phù sa bồi đắp và cả phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà không phải nơi nào cũng có được.
Đến nỗi, nếu năm nào đó nước không về, không có mùa nước nổi như bình thường thì bà con nông dân thấy có sự bất thường: Tôm cá, thủy sản không dồi dào, đồng đất khô cằn và vùng đất Chín Rồng cũng như thiếu vắng vẻ nên thơ.
Song, năm nào lũ về bất thường, đồng trắng nước trong, ngập lụt tứ bề; nước cuốn trôi nhà cửa, gia súc, trẻ em không tới trường, chợ búa không hội họp... thì hậu quả nghiêm trọng. Lũ độc hại ấy diễn ra nhiều năm liền, buộc người ta phải nghĩ đến việc sống chung với lũ.
Ở mảnh đất miền Trung nước ta từ Nghệ An - Hà Tĩnh đổ vào, qua Bình Trị Thiên và xứ Quảng... năm nào cũng chịu trên dưới 10 trận bão, chưa nói sập núi, vỡ đê... buộc chính quyền và người dân nghĩ đến chuyện sống chung với bão. Đó là thiên tai.
Nay nói về dịch bệnh. Dịch bệnh tồn tại khách quan nhưng nếu biết cách phòng ngừa tác hại của nó sẽ giảm thiểu. Riêng dịch Covid-19 xuất hiện thật kinh khủng. Nó tàn phá trái đất, không chừa một quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Sự biến thể của Covid-19 khôn lường, và đặc biệt tốc độ lây lan phi mã làm cho cả thế giới bất an.
Nền kinh tế thế giới sụt giảm chưa từng có. An ninh chính trị, chủ quyền quốc gia cũng bị đe dọa. Và đặc biệt dân nghèo, người có bệnh nền, người già... gần như vô phương cứu chữa. Số người chết do Covid-19 tăng từng giờ. Các nước kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ... số người chết luôn đứng đầu bảng.
Vậy làm thế nào để sống chung với dịch Covid-19. Trước hết, theo tôi phải thay đổi nhận thức. Mọi người đều biết, dịch Covid-19 là hiện tượng bất thường của đời sống xã hội. Sự bất thường này không chỉ diễn ra một lần mà kéo dài nhiều lần, nhiều năm.
Do vậy, cần thay đổi nhận thức, không quá hoảng loạn trước dịch bệnh. Lấy phòng, ngăn ngừa làm chính. Chữa trị, dập tắt là điều phải nhanh chóng thực hiện khi dịch bùng phát. Trên cơ sở nhận thức ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp cần chủ động có kế hoạch (kịch bản) ngăn ngừa và chữa trị. Cần xây dựng kịch bản với tình huống xấu nhất để có phương án giải quyết. Đúng như bấy lâu nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng các phương án tác chiến khi xảy ra chiến tranh. Tuyệt đối không để Tổ quốc bị bất ngờ.
Thứ hai, đối với người dân cần hết sức bình tĩnh, chấp hành nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ và chính quyền các cấp để phòng chống Covid-19. Thực tế qua 3 đợt dịch (nay đang đợt thứ 4), nhờ có người dân đồng hành cùng Chính phủ "chống dịch như chống giặc", đất nước ta mới tương đối bình an như hiện nay. Mục tiêu kép chống dịch và tăng trưởng kinh tế đều đạt, được thế giới ghi nhận, ngợi ca nguyên nhân chính vẫn là tạo được sự đồng thuận, đồng hành của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ công an, quân đội bấy lâu nay đã được nhân dân thương yêu, quý trọng nay có thêm những chiến sĩ áo trắng. Đó là các thầy thuốc, bác sĩ, dược sĩ,y sĩ, y tá, điều dưỡng... đang gồng mình chia sẻ cùng nhân dân, người bệnh.
Thứ ba, trong cuộc chiến này vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng. Thực tế cho thấy, hằng ngày hằng giờ qua hệ thống báo chí, truyền thông, đài phát thanh và truyền hình, những chỉ đạo của Chính phủ cũng như tin tức, kinh nghiệm phòng chống dịch đã kịp thời đến với cộng đồng...
Sống chung với dịch, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này, góp phần tổng tấn công dẹp tan giặc Covid-19 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.