Tầm vóc quốc tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Hai, 29/07/2024 15:20

|

(CATP) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại di sản đồ sộ, trong đó có chiến lược ngoại giao và phát triển kinh tế, khiến nhiều lãnh đạo các nước lớn kính trọng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken khẳng định, Tổng thống Biden, Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẽ luôn ghi nhớ và tôn vinh di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Đường lối “ngoại giao cây tre” thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ của Việt Nam

Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tính đến đến 12 giờ ngày 26/7, có hơn 5.600 đoàn, với hơn 252.000 lượt người đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có hơn 100 đoàn khách quốc tế. Điều này cho thấy tầm vóc và ảnh hưởng của Tổng Bí thư đối với quốc tế. Ngoài ra còn có khoảng 150 điện, thư, thông điệp chia buồn gửi tới Việt Nam qua kênh quan hệ nhân dân.

Các hãng thông tấn, báo, đài quốc tế đã đồng loạt đưa tin về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh tình cảm thiêng liêng của người dân đối với Tổng Bí thư. Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) có bài viết: “Cựu Thủ tướng Nhật Bản và nhà lãnh đạo quyền lực thứ 4 tại Trung Quốc đã tới Hà Nội để dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Theo bài viết, nhà lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy trường phái “ngoại giao cây tre” để bảo đảm rằng Việt Nam không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào.

Trước đó ngày 19/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện chia buồn. “Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc mất đi một người đồng chí tốt, anh em tốt, bạn bè tốt. Chúng tôi vô cùng thương tiếc gửi đến Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất và lời thăm hỏi chân thành nhất”, bức điện có đoạn.

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) Chu Sĩ Tân nhận định: Lãnh đạo nhiều nước tham dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Các nước coi trọng vị trí địa chính trị cũng như tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Chu Sĩ Tân khẳng định, sự thành công của “ngoại giao cây tre” được chứng minh qua việc các nước đều muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, đường lối ngoại giao này cũng thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, để lại nhiều di sản đồ sộ, trong đó có sự thành công trong chiến lược ngoại giao, với đường lối “ngoại giao cây tre”, Việt Nam làm bạn rất thân thiết, chân tình, cởi mở, xây dựng, bình đẳng với tất cả các cường quốc trên thế giới.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tổng thống của 3 cường quốc lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga. Đó là những hoạt động chưa từng có trong tình hình địa chính trị rất phức tạp như hiện nay, cho thấy bản lĩnh và uy tín của Tổng Bí thư. Những nỗ lực này đã thúc đẩy mạnh mẽ, đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực với các cường quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đúc kết: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có “gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển”. “Gốc vững” chính là thực lực của ta. “Thân vững” chính là lợi ích quốc gia dân tộc. “Cành uyển chuyển” là cách thức mà chúng ta ứng xử trong ngoại giao”.

Tình cảm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tối 27/7, phái đoàn đại diện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu, đã đến thắp hương, chia buồn với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà công vụ số 5 phố Thiền Quang, TP.Hà Nội. Đây là hoạt động thể hiện quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau giữa cường quốc số một thế giới với Việt Nam.

Ngoại trưởng Blinken đã chuyển lời chia buồn của Tổng thống Joe Biden tới phu nhân Ngô Thị Mận và gia đình trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh các lãnh đạo, quan chức chính quyền Hoa Kỳ cũng như cá nhân Tổng thống Joe Biden luôn coi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người bạn, là đối tác tin cậy.

Ngoại trưởng Blinken bày tỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình mẫu trong việc hàn gắn giữa hai nước cũng như là người góp phần xây dựng cầu nối giữa nhân dân hai nước. Ngoại trưởng Blinken khẳng định, Tổng thống Biden, Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẽ luôn ghi nhớ và tôn vinh di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những tình cảm và kỷ niệm tốt đẹp về một người đã tạo nên những dấu ấn lịch sử cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Ngày 27/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sang Việt Nam chia buồn và viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngoại trưởng Blinken đã chuyển lá thư chia buồn của Tổng thống Joe Biden gửi tới Chủ tịch nước Tô Lâm trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thư, Tổng thống Biden nhắc lại những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc về lần đầu tiên gặp Tổng Bí thư tại thủ đô Washington năm 2015. Tổng thống Biden cũng bày tỏ tự hào được đứng cùng Tổng Bí thư trong chuyến thăm tới Hà Nội năm trước và cùng nhau mở ra kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước.

Trích nội dung lá thư:

“Sự kiện đó là minh chứng cho khao khát chung của nhân dân hai nước chúng ta về hòa bình và thịnh vượng cho tất cả. Đó cũng là minh chứng của sự quyết tâm của Tổng Bí thư trong đưa quan hệ hai nước lên mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện.

Đất nước Mỹ sẽ không quên sự lãnh đạo này của Tổng Bí thư. Mỹ hoàn toàn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, tự cường và độc lập mà Tổng Bí thư đã cống hiến trọn cuộc đời của mình.

Như đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò không thể thiếu trong việc xua đi những đám mây từng có lúc che phủ quan hệ hai nước trong 50 năm qua.

Chúng ta cùng tưởng nhớ ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng việc tiếp nối di sản của Ngài và duy trì mối quan hệ hợp tác quan trọng này”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chia buồn với bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tại cuộc tiếp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ chia sẻ sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tổn thất to lớn đối với quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ luôn ghi nhớ và tôn vinh di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ hai nước, nhất là việc thúc đẩy hàn gắn và xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Người xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Về kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người xây dựng lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nền kinh tế đầy sức sống của nước ta hiện nay là thành quả của tiến trình đổi mới, đồng thời phản ánh quỹ đạo “tiến hóa tất yếu” của mô hình kinh tế thị trường đương đại.

Quan điểm của Tổng Bí thư về xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rất khoa học: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đến nay kinh tế nước ta đã đạt đượ cnhững thành tựu đáng tự hào khi nhìn bức tranh kinh tế đầy khởi sắc. Giai đoạn 1986 - 2020, mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7%/năm, quy mô GDP không ngừng được mở rộng; năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD).

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu như vậy.

Tất cả cho thấy tầm vóc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ được nhân dân ca ngợi mà dư luận quốc tế đã đánh giá rất cao về những di sản có giá trị to lớn mà ông để lại...

Bình luận (0)

Lên đầu trang