Tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ

Thứ Hai, 03/06/2024 14:50

|

(CAO) Thực tế hiện nay hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải/tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 03/6 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (VKVLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT) (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà), dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT (sửa đổi) đã đề cập tương đối đầy đủ về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VKVLN&CCHT nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Dự thảo Luật đã bổ sung các loại dao, vũ khí thô sơ, là những công cụ được coi là vũ khí và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng vũ khí, cắt giảm các loại giấy tờ về thủ tục, cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về VKVLN… Do vậy, dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung theo các yêu cầu của việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhấn mạnh, trong bối cảnh phương thức hoạt động tội phạm ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới, thì pháp luật về quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT cần được hoàn thiện, không ngừng hướng đến tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, bảo đảm cân bằng, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đa số đại biểu tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Phân tích cụ thể nội dung này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho biết, qua báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép VKVLN, CCHT gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án. Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) phạm tội với tính chất rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho biết, thực tế hiện nay hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải/tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, việc bổ sung vào dự thảo việc “dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ là cần thiết, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự thảo luận.

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng, quy định dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao… (Điểm b, Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật) sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa xâm hại cơ thể người khác.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến thảo luận tại tổ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra và báo cáo thẩm tra cũng rất đầy đủ. Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí về bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo tiếp thu của Bộ Công an và cơ bản nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang