Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn

Thứ Sáu, 10/11/2023 15:28

|

(CAO) Với 444 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 89,88%), chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính

Theo đó, năm 2024, ngân sách trung ương phải thu 852.682 tỷ đồng; địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương tới hết 2023 còn dư, chuyển sang dự toán 2024 là 19.040 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách trung ương là gần 1,226 triệu tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán 2023) và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Với số thu-chi được duyệt, Quốc hội giao Chính phủ phân bổ cho từng bộ, ngành, địa phương có trọng tâm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Quốc hội lưu ý Chính phủ thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước 2024; cũng như vốn đối ứng dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài, ngân sách tại các dự án PPP.

“Kỷ cương, kỷ luật tài chính cần được siết chặt, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm”, Nghị quyết nêu.

Mức phân chia thuế bảo vệ môi trường 2024-2025 theo Luật Ngân sách trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước với tổng sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể, 60% phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương; 40% còn lại điều tiết toàn bộ về ngân sách trung ương.

Nguồn thu từ xổ số kiến thiết được chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên chi cho giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (gồm mua sắm thiết bị dạy học cho chương trình đổi mới sách giáo khoa), y tế. Phần còn lại ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách thuộc đối tượng ưu tiên của ngân sách địa phương.

Khoản thu từ phí đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô năm 2024-2025 sẽ được phân chia 65% cho ngân sách trung ương, 35% còn lại bố trí dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để quản lý, bảo trì đường bộ...

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung tăng chi đầu tư phát triển

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, năm 2024 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách 2023-2025. Dự toán chi cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 được xác định trên cơ sở dự toán thu cân đối NSĐP được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương (NSTW) cho NSĐP (nếu có) và các chế độ chính sách theo quy định.

Tuy nhiên, với dự toán NSNN thu năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội, có tới 30/63 địa phương giảm thu cân đối NSĐP 19,2 ngàn tỷ đồng, trong khi khả năng phấn đấu tăng thu là rất khó khăn do đa số là tỉnh điều kiện phát triển kinh tế còn hạn hẹp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh

Để tạo sự chủ động của các địa phương và để có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, cần thiết có sự hỗ trợ của NSTW (cả chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên); do đó, căn cứ các quy định, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng số bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối của địa phương, địa phương chủ động bố trí cơ cấu chi NSĐP năm 2024 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành, yêu cầu địa phương cân đối nguồn thực hiện.

Các tỉnh nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương sẽ khó khăn về nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi nêu trên, cần có mức hỗ trợ tăng thêm này. Việc xử lý này tương tự như đề xuất của Chính phủ tăng 2% chi bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP và đã được Quốc hội quyết định đối với dự toán năm 2019 và năm 2020.

Theo đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như phương án Chính phủ trình, tăng bổ sung cân đối 2% cho các địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang