Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực

Thứ Sáu, 10/04/2020 23:11

|

(CAO) Việc xuất khẩu gạo phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống.

Văn phòng Chính phủ tối nay (10/4) có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 2412/BCT - XNK ngày 6/4/2020, căn cứ ý kiến tại cuộc họp Trường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương về phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương (sau khi đã lấy ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Xuất khẩu gạo phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo các quy định pháp luật hiện hành.

"Việc xuất khẩu gạo phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID – 19. Không làm giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo và phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan" - công văn nêu rõ.

Những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan trên báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4/2020. Đồng thời xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid - 19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý , kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Cùng với đó, Bộ Tài chính phải kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương mua đủ số lượng thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt , đồng thời nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140 / TB - VPCP ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Trước đó, tại văn bản 2412, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5 năm 2020.

Phương án điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được dựa trên thực tế dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bộ này cũng đưa ra phương án dựa trên cơ sở đảm bảo hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu kép là duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế, đồng thời dựa vào thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lượng gạo hàng hoá vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu, cụ thể là 3 triệu tấn (cộng cả số dư của năm 2019 là 3,2 triệu tấn). Đây là số lượng còn lại sau khi đã bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ thông thường trong nước.

Với tốc độ xuất khẩu 25 nghìn tấn/ngày trong 3 tháng vừa qua do các tờ khai đã mở trước 0h ngày 24/3 vẫn tiếp tục được thực hiện, Bộ Công thương ước tính lượng gạo xuất khẩu tới ngày 31/3 sẽ vào khoảng 1,7 triệu tấn. Do vậy, lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Như vậy, nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5 cần khoảng 300 nghìn tấn để thực hiện kế hoạch mua năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Bộ Công Thương lý giải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự trù khoản dự trữ này khi tính toán số lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu nhưng Bộ Công Thương vẫn nhận dự trù thêm một lần nữa.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài số lượng 300 nghìn tấn, sẽ giữ lại thêm 400 nghìn tấn gạo để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Theo đó, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại trong nước trong 2 tháng trước khi có thóc vụ Hè Thu sẽ là 700 nghìn tấn.

Với lượng gạo này, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3kg gạo, một hộ gia đình 4 người có thể dự phòng thêm 30 kg gạo trong tháng 4 và tháng 5. Khoảng nửa cuối tháng 5 đã bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu.

Vì thế, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Căn cứ vào lượng gạo 800 nghìn tấn này, Bộ Công Thương cho rằng trước mắt tháng 4 cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang