Thủ tướng dự Tọa đàm về tương lai của thương mại và phát triển toàn cầu trong Kỷ nguyên thông minh

Thứ Tư, 22/01/2025 07:28

|

(CAO) Tọa đàm được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam nhằm thảo luận về xu hướng của thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời xây dựng chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 do Việt Nam đăng cai, dự kiến vào cuối năm 2025.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF Davos lần thứ 55 và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, chiều 21/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của Thương mại và Phát triển toàn cầu trong Kỷ nguyên Thông minh.”

Tọa đàm được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam nhằm thảo luận về xu hướng của thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời xây dựng chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 do Việt Nam đăng cai, dự kiến vào cuối năm 2025.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ WEF Davos (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tọa đàm do Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan điều phối với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện cấp cao các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cùng một số học giả và chuyên gia quốc tế uy tín.

Phát biểu dẫn đề, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan bày tỏ ấn tượng về thành tích tăng trưởng của Việt Nam, đạt 7% trong vòng 30 năm qua. Tổng Thư ký UNCTAD khẳng định việc Hội nghị UNCTAD 16 được tổ chức tại một quốc gia phát triển năng động nhờ mở cửa, hội nhập thành công như Việt Nam đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa trong trong giai đoạn mới của UNCTAD.

Tổng Thư ký UNCTAD nhấn mạnh thương mại là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng; nhận định các nước phương Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu khi chiếm đến 70% tổng giá trị thương mại trong 5 năm tới.

Tổng Thư ký UNCTAD cho rằng thương mại toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh và nguy cơ chiến tranh thương mại. Do đó, Tổng Thư ký UNCTAD và các diễn giả tại Tọa đàm kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, mở cửa, hội nhập, củng cố thương mại đa phương để cùng phát triển, giảm thiểu bất bình đẳng, không bỏ lại ai phía sau.

Tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ nhận định các thách thức hiện nay đối với thương mại và phát triển diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả mọi người nên cần cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu nên các nước cần tăng cường hợp tác, chung tay, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại đa phương cho phát triển.

Đặc biệt để đối mặt với các thách thức đó trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải nắm bắt “kỷ nguyên thông minh” một cách tổng thể từ bốn khía cạnh khác nhau, gồm từ khía cạnh địa chính trị, an ninh là hoà bình, hợp tác; từ khía cạnh kinh tế là phát triển nhanh và bền vững; từ khía cạnh môi trường là khai thác sử dụng bền vững; từ khía cạnh xã hội là tiến bộ, công bằng xã hội, không để lại ai phía sau.

Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho kỷ nguyên mới với cách tiếp cận nguồn lực bắt nguồn từ tuy duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình với Tổng Thư ký UNCTAD, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, học giả đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thực thi hiệu quả chính sách “không bỏ ai lại phía sau,” đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, và nông thôn, nỗ lực vươn lên đứng trong top 15 về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, trở thành hình mẫu quốc tế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng phó linh hoạt, khéo léo trước nhiều biến động kinh tế toàn cầu.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều ý kiến tư vấn cho chiến lược phát triển của Việt Nam, như khai thác hiệu quả sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam; chuyển hóa đầu tư nước ngoài thành lợi ích thiết thực cho phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thành động lực vượt thoát bẫy thu nhập trung bình.

Nhấn mạnh tinh thần Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện,” Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam coi trọng việc đăng cai Hội nghị UNCTAD 16 để chào đón đại biểu từ khắp năm châu.

Địa điểm được lựa chọn sẽ gắn với di sản, với giá trị văn hóa để bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị vừa có thể học hỏi, nghiên cứu, giao lưu đồng thời có dịp thưởng thức danh lam, thắng cảnh và tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Các đại biểu tham dự tin tưởng rằng, với vị thế và kinh nghiệm tổ chức hội nghị đa phương của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 sẽ là hội tụ những động lực phát triển mới, tạo ra tác động lan tỏa và tạo đà cho sự phát triển của thương mại và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang