Đến kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên thân nhân, người nhà của bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Sau đó, Thủ tướng có cuộc họp làm việc với lãnh đạo Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Bình Dương
Báo cáo với Thủ tướng, ông Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh viện đang điều trị 146 người bệnh COVID-19.
Trong đó, có hai bệnh nhân thở oxy túi, hai bệnh nhân thở oxy máy. Từ khi dịch bệnh bùng phát, bệnh viện đã điều trị 190 bệnh nhân COVID-19. Để nâng cao công tác phòng chống dịch, Sở Y tế cũng đã thành lập Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Thủ tướng cũng lưu ý, bệnh viện phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong quá trình tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân, không để dịch bệnh "thủng" từ trong bệnh viện.
Đồng thời, lãnh đạo bệnh viện cần có những biện pháp phòng dịch không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ trong quá trình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân.
Thủ tướng kiểm tra tại nhà máy Vinamilk
Hiện tại Bình Dương đang điều trị tổng cộng 228 bệnh nhân COVID-19 (226 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, 01 ca tái dương tính từ Khánh Hòa, 01 chuyên gia nhập cảnh). Trong đó, số ca điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương là 155 ca, Trung tâm Y tế Tân Uyên 5 ca và Trung tâm Y tế Thuận An 68 ca.
Bình Dương cũng đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Để ngăn dịch bệnh lây lan trong khu, cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế tăng cường vaccine để tiêm phòng cho công nhân, người lao động...
Ngay sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Dương, đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Công ty ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống dịch ở Bình Dương
Xem xét mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất - kinh doanh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương áp dụng mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ, nhất là tại các khu công nghiệp. Ăn ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ, bàn thêm phương án tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để thực hiện mô hình này mà tỉnh Bắc Giang đã thực hiện có hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chỉnh phủ đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm. Thủ tướng đề nghị Bình Dương tập trung đầu tư hoàn thiện giao thông; biểu dương Bình Dương mở đường xá khá tốt đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rõ rệt, nhất là sau khi mở đường thì đô thị, dịch vụ, công nghiệp phát triển mạnh.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu lý tỉnh Bình Dương ổn định chính trị, an toàn, an ninh và an dân; tổ chức hoàn thành tốt kỳ thi Trung học phổ thông, kết thúc tốt năm học 2021. Đặc biệt, về nhiệm vụ, giải pháp là ưu tiên thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát tình hình, không được lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh phải có kịch bản ứng phó tình huống xấu khi dịch diễn biến phức tạp, nhưng không vội vàng, hốt hoảng, nhanh chóng phong tỏa, khép kín “dễ cho người làm, nhưng khó cho dân”.
Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương khi có dịch xảy ra cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời thay đổi cách ly cho phù hợp, nên nghiên cứu thí điểm cách ly diện F1 tại nhà. Thay đổi này quan trọng, nhưng chắc chắn phải triển khai làm đúng quy trình, đúng quy định, nhưng đối với những nhà đủ điều kiện mà họ có nhu cầu. Việc này đã ban hành quy chế, quy định, tiêu chuẩn, nên Bình Dương nghiên cứu áp dụng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần áp dụng qua điện thoại, qua phương tiện internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; diễn tập cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát...