Vắc-xin Covid-19: Một mũi tiêm, nhiều ý nghĩa!

Thứ Bảy, 26/06/2021 12:57

|

(CAO) Trong khi một số người còn hoài nghi, lo lắng về chất lượng, tác dụng của việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thì có rất nhiều người dân mong mỏi ngày đêm để được tiêm, nhằm yên tâm về sức khoẻ cũng như bảo vệ gia đình, người thân.

Bác sĩ thăm khám y tế đối với trường hợp sau tiêm phòng vắc-xin Covid-19

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đây là lần dịch bùng lớn nhất, kể từ năm 2020 đến nay. Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm, nỗ lực bằng mọi cách để toàn dân Việt Nam được tiêm vắc-xin, phòng Covid-19. Trước mắt là ưu tiên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, những người làm các công việc tiếp xúc với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, người yếu thế trong xã hội...

Nhiều người hào hứng, mong chờ để được chích vắc-xin; nhưng cũng xuất hiện một số lời đồn đoán, e ngại, thậm chí một số người cho biết, họ chủ động phòng ngừa Covid-19, từ chối tiêm vắc-xin vì sợ rủi ro, sợ chết... tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc.

Thấy gì qua một buổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19?

Ngày 23/6/2021, tôi (phóng viên Báo Công an TP.HCM thường trú tại Lâm Đồng) được điền tên trong danh sách tiêm vắc-xin Covid-19 do Sở TTTT- Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng lập, từ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh với đội ngũ phóng viên, biên tập viên các báo thường trú trên địa bàn.

Bác sĩ Lê Văn  Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng kiểm tra công tác chuyên môn tại điểm tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của đơn vị

Thủ tục đăng ký khá chặt chẽ, danh sách theo nhóm đối tượng, kê khai thông tin cá nhân, đơn vị công tác đầy đủ, thông qua phần mềm điện thoại, máy tính và nhận phản hồi, thông báo từ Sở Y tế tỉnh về ngày, giờ, địa điểm đến tiêm phòng, loại vắc-xin AstraZeneca (Anh phát triển).

Sáng 23/6, chúng tôi có mặt tại khu vực tiêm phòng vắc-xin của BVĐK Lâm Đồng. Sau khi điền thông tin cá nhân, xuất trình CCCD, thẻ bảo hiểm y tế với cán bộ y tế, chúng tôi được hướng dẫn vào hội trường - điểm tiêm phòng, ngồi ghế chờ đến lượt gọi tên, tuân thủ 5K, ngồi giãn cách với khoảng gần 100 người khác.

Cảm xúc tôi dâng trào khi chứng kiến công tác tổ chức tiêm phòng tại đây rất nghiêm túc, hoàng tráng, bài bản. Được biết, trong mấy tuần qua, BVĐK tỉnh Lâm Đồng tổ chức tiêm bình quân 200 -240 mũi/người/ngày. Có đến trên 30 cán bộ, lãnh đạo của bệnh viện, gồm: Giám đốc, Phó giám đốc, y -bác sĩ trưởng khoa, nhân viên y tế, đội ngũ cấp cứu... thường xuyên túc trực tại đây, đảm bảo tốt nhất cho công tác tổ chức tiêm phòng an toàn, hiệu quả.

Khoảng 5 phút, tôi được gọi đến bàn khám sàng lọc. Các y - bác sĩ tiến hành đo thân nhiệt, huyết áp, kiểm tra tim, mạch, hỏi về tiền sử bệnh lý..., tôi được thông báo đủ điều kiện tiêm vắc-xin Covd-19 và được hướng dẫn đến bàn tiêm số 3.

Chưa đầy 10 giây, nữ y tá hoàn thành mũi tiêm ở bắp tay của tôi. Tôi được hướng dẫn ngồi chờ 30 phút để theo dõi sức khoẻ sau tiêm. Sau 30 phút, tôi được gọi lên nhận giấy chứng nhận đã tiêm mũi thứ nhất, lần 1, sau đó ra về.

Có 3 trường hợp gây chú ý với tôi: 1 phụ nữ ngoài 40 tuổi có tiền sử bệnh tim, sau tiêm bị tăng huyết áp, 1 phụ nữ trẻ đang cho con bú bị choáng mệt... đã được các bác sĩ thăm khám sức khoẻ, theo dõi tại chỗ và đưa ra các khuyến cáo chăm sóc sức khoẻ khi ra về sau đó; 1 trường hợp nam giới trên 60 tuổi bị từ chối tiêm vắc-xin Covid do bị dị ứng độ 2.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng - Trưởng ban chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin Covid-19 BVĐK Lâm Đồng (ngoài cùng bên phải) trả lời những thắc mắc của người tiêm phòng vắc-xin Covid-19

Trở về nhà, mọi sinh hoạt, sức khoẻ của tôi diễn ra bình thường. Khoảng 21h, tôi bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt, cao nhất 38,6 độ. Cả đêm hết sốt nóng lại lạnh. Đến 14h hôm sau toàn thân mỏi nhừ, nhức cơ, đầu váng. Đến chiều tối các cơn đau giảm dần.

Khuya ngày thứ hai, tôi có biểu hiện sốt nóng lạnh trở lại, kéo dài khoảng 3, 4 tiếng thì giảm. Đến ngày thứ 3, những cơn đau, nhức mỏi dần tan biến đến trên 90%, chỉ còn lại cảm giác chếnh choáng, đau mỏi nhẹ ở vị trí mũi tiêm. Sang ngày thứ 4 thì mất hẳn các cảm giác "khó chịu" trên, cơ thể trở về trạng thái bình thường.

Qua chia sẻ thông tin với nhóm người đi tiêm cùng đợt với tôi và nhiều người tiêm trước, sau đó, ở nhiều địa điểm tiêm khác nhau; tôi thuộc nhóm sốt, đau nhức ít. Có những người sốt đến trên 39 độ, bị những cơn đau nhức mỏi cơ, thần kinh (đầu) "hành hạ", "vật vã" khổ sở hơn nhiều; nhiều người không thể nhấc mình dậy được. Tuy nhiên, cũng có một số ít chỉ đau nhức nhẹ; thậm chí không sốt, sức khoẻ bình thường.

Chúng tôi thấy rằng, những cảm giác đau nhức sau tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 không là gì so với việc nếu chẳng may bị nhiễm dịch bệnh này. Những người đã tiêm phòng vắc-xin Covid cảm thấy vui, tự tin hơn, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, ngăn ngừa được Covid-19 rất tốt cho cộng đồng.

Sau một năm rưỡi năm xuất hiện đại dịch Covid-19, chúng tôi đi tiêm vắc-xin Covid-19, cảm xúc áp lực, nôn nao, hào hứng pha trộn; mới biết, tại các vùng đang có dịch, người dân bị giãn cách, họ mong mỏi được tiêm vắc-xin phòng ngừa, xua tan dịch bệnh Covid-19 đến mức độ nào!

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng - Trưởng ban chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin Covid-19 BVĐK Lâm Đồng trấn an tâm lý với một số người ngoài 65 tuổi, có bệnh nền tại điểm tiêm chủng  

Chung tay miễn dịch cộng đồng

Tính đến 19h 30 ngày 26/6, cả nước có tổng cộng 13.515 ca dương tính Covid-19 trong nước và 1.760 ca nhập cảnh tại 46/63 tỉnh, thành. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay (đợt dịch bùng phát thứ 4) là 11.945 ca, trong đó có 3.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đáng chú ý, đã có khoảng 3 triệu người ở Việt Nam được tiêm vắc-xin, tương đương 4,3% dân số có chỉ định tiêm ngừa.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương mua vắc-xin phòng đại dịch cho nhân dân cả nước. Bên cạnh việc sử dụng ngân sách Nhà nước để mua vắc-xin, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động các nguồn lực trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện, Việt Nam đang bước vào đợt tiêm chủng vắc-xin Covid-19 quy mô lớn nhất lịch sử. Mục tiêu trong năm 2021 sẽ đáp ứng 70% công dân Việt Nam tiêm phòng vắc-xin Covid-19, nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Theo hướng dẫn tại Quyết định 1210/2021 được Bộ Y tế ban hành ngày 9/2/2021, đến thời điểm hiện tại, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19, bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Bộ Y tế cũng cho biết, chỉ chọn mua các vắc-xin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá phù hợp.

Một phụ nữ trẻ nuôi con nhỏ có phản ứng mỏi mệt sau tiêm, được bác sĩ kịp thời thăm khám, kiểm tra sức khoẻ

Lâm Đồng là tỉnh chưa phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19, nhưng lãnh đạo tỉnh đang ráo riết triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 đợt 2 với số lượng 20.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Thời gian tiêm mũi 1 từ ngày 15/6 đến 5/7; mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm đợt 1 từ ngày 25/6 đến 15/7.

Trong khi một số người còn hoài nghi, lo lắng về chất lượng, tác dụng của việc tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 thì có rất nhiều người dân mong mỏi ngày đêm đến lượt được tiêm.

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của anh Phan Sĩ Đức - một người dân làm nghề tự do, chia sẻ với phóng viên: "Vắc-xin nào chẳng có tỷ lệ rủi ro. Nhưng người được tiêm vắc-xin chắc chắn tốt, yên tâm hơn người chưa hoặc không tiêm. Dịch Covid-19 phức tạp, người dân mong mỏi được tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng - Trưởng ban chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin Covid-19 BVĐK Lâm Đồng, cho biết, trước khi tiêm vắc-xin Covid-19, đội ngũ y - bác sĩ thực hiện công tác sàng lọc bệnh với mỗi người; qua kiểm tra, phát hiện các trường hợp có các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, tim mạch... ; đặc biệt bị dị ứng, vẫn được tiêm phòng vắc-xin, nhưng sẽ có sự theo dõi phù hợp.

Với những trường hợp tiền sử dị ứng độ 2 trở lên chống chỉ định (không chích vắc-xin Covid-19). Tại các đợt tổ chức tiêm phòng Covid-19, BVĐK Lâm Đồng có sự chuẩn bị kỹ càng đội ngũ y - bác sĩ có chuyên môn cao, đội ngũ cấp cứu... để theo dõi và kịp thời ứng phó với các trường hợp sau tiêm phòng...

Còn theo bác sĩ Lê Minh Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng, các trường hợp sau tiêm phòng vắc-xin Covid nếu có các biểu hiện sốt, đau nhức mình... là đáp ứng miễn dịch bình thường. Trường hợp sốt cao kéo dài, phản ứng khác thường... cần báo ngay với cơ sở tiêm phòng để được can thiệp kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang