TPHCM ghi nhận 667 ca nghi mắc COVID-19 trong 24 giờ, phần lớn tại khu cách ly, phong tỏa

Thứ Sáu, 25/06/2021 17:06  | A. Quân

|

(CAO) Trong số 667 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ghi nhận tại TPHCM trong 24 giờ qua, có 637 ca phát hiện trong các khu vực phong tỏa, cách ly.

Chiều 25-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM...

Phong toả khu vực nguy cơ cao, có nhiều ca nhiễm tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Ảnh: Bùi Văn Nghiệp

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tính đến 6 giờ ngày 25/6 TPHCM đã có 2.549 trường hợp mắc bệnh COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó có 2.302 trường hợp nhiễm trong cộng đồng.

Đặc biệt, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ sáng 24-6 đến sáng 25-6, TPHCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc Covid-19.

Trong số này có 99 trường hợp trong khu phong tỏa, gồm:  xét nghiệm lần 1 (87 người), xét nghiệm lần 2 (9 người), xét nghiệm lần 3 (1 người) và 2 trường hợp đang xác minh thông tin;

538 trường hợp trong khu cách ly (xét nghiệm lần 1 (275 người), xét nghiệm lần 2 (260 người), xét nghiệm lần 3 (3 người);

14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện (1 trường hợp khám tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch, 1 tại BV quận 12, 1 tại BV Lê Văn Thịnh, 2 tại BV Đại học Y Dược, 2 tại BV Nguyễn Tri Phương, 2 tại BV Thống Nhất, 1 tại BV Quốc Ánh, 1 tại BV Bình Tân, 1 tại BV Ung bướu, 1 tại Trung tâm Y tế Thủ Đức, 1 tại BV Vạn Hạnh);

1 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, là hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh (qua xét nghiệm tầm soát); 1 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm; 2 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung; 2 trường hợp nhập cảnh; 10 trường hợp đang điều tra.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm tại TPHCM đợt này chủ yếu chủng Delta (Ấn Độ), lây lan trong gia đình, hàng xóm nơi làm việc, đặc biệt ở các tòa nhà văn phòng, nơi sản xuất.

Việc xuất hiện liên tiếp các ca bệnh từ giữa tháng 5 cho thấy nhiều ca xâm nhập vào TP đã lây lan qua 4- 5 chu kỳ. TP trải qua 2 đợt dịch từ 26/4 đến 14/6 với sự bùng phát các ca bệnh liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và từ 15/6 đến nay với sự bùng phát nhiều chuỗi ca bệnh trong cộng đồng. Từ 15/6 các ca bệnh chủ yếu trong nhà trọ, khu dân cư, cơ sở sản xuất, nơi môi trường chật hẹp, không khí kém…

Liên quan đến công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ 26/5 đến hết ngày 24/6/2021, TP đã lấy hơn 1 triệu mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...).

Cùng với đó, TP thực hiện giám sát, sàng lọc người có triệu chứng hô hấp đến cơ sở khám chữa bệnh; Tầm soát nhóm nguy cơ trong bệnh viện; Tầm soát các nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng; giám sát người về từ các tỉnh, TP có dịch...

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến

Khuyến cáo cán bộ, người lao động sau giờ làm việc nên ở nhà

Đối với các giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, TP tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây.

Đối với các khu vực đang phong tỏa quanh ổ dịch, chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường…) để kiểm soát dịch.

Bên cạnh đó là sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả test nhanh. Nếu dương tính, sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua 1 lần nữa.

Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp. Trong đó, quản lý chặt chẽ người lao động, kiểm tra thông tin người ra vào cơ sở sản xuất lao động, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ.

Yêu cầu người lao động sau giờ làm việc nên ở nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài gia đình, không tụ tập, không đi đến nơi công cộng. Người thân trong cùng nhà cũng hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài. Kiểm soát các khu lưu trú, ký túc xá dành cho công nhân, không để người không có nhiệm vụ được ra vào; theo dõi sát tình hình sức khỏe công nhân và thông tin khai báo y tế.

Riêng các đơn vị sản xuất có điều kiện tại cơ sở làm việc nghiên cứu bố trí khu lưu trú cho công nhân ngay tại cơ sở làm việc để đảm bảo quản lý không tiếp xúc với người bên ngoài cộng đồng. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly tại nơi làm việc nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh trong đơn vị, để đảm bảo vừa cách ly y tế vừa duy trì lao động sản xuất.

Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh, khu vực phong tỏa, khu cách ly và công tác lấy mẫu xét nghiệm....

Cập nhật...

Bình luận (0)

Lên đầu trang