Đồng chí Võ Văn Hoan trình các tờ trình tại kỳ họp
Dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, năm 2023, UBND TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai đạt kết quả một số nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TP làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,81%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,8%; tổng doanh thu du lịch tăng 22% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP tăng 44,3%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%.
Theo đồng chí Võ Văn Hoan, trong năm qua, TP đã tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn TP có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác hoặc khởi công. Nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, TP cũng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về chỉ số chuyển đổi số…
Theo đồng chí Võ Văn Hoan, trong 21 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội chủ yếu của năm, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. Bên cạnh đó, TP đã nỗ lực tập trung giải quyết các công việc tồn đọng theo thẩm quyền, nhưng tiến độ một vài công việc còn chậm. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai đồng bộ và có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những quy trình, thủ tục chưa kịp thời, một số điểm nghẽn chậm được tháo gỡ.
UBND TPHCM thống nhất xây dựng chủ đề năm 2024 là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP”. Đồng chí Võ Văn Hoan cũng cho biết, Nghị quyết Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có 22/26 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tương ứng 31 chỉ tiêu thành phần, UBND TPHCM quyết tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ tiêu này.
Để công tác đánh giá hàng năm được thuận lợi, UBND TPHCM đề nghị đưa 17 chỉ tiêu lồng ghép vào nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024; đồng thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh thành 18 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình năm 2024 và được phân chia thành 5 nhóm: nhóm 5 chỉ tiêu về kinh tế; nhóm 4 chỉ tiêu về xã hội; nhóm 4 chỉ tiêu về đô thị; nhóm 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính và nhóm 3 chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh. Cụ thể, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5 - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng, trong đó, khách quốc tế đến TP đạt khoảng 6 triệu lượt.
Bên cạnh đó, phấn đấu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km²; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới 8 triệu mét…
Trình nhiều tờ trình liên quan kinh tế - xã hội
Cũng tại kỳ họp, đồng chí Võ Văn Hoan cũng trình các tờ trình liên quan về kinh tế - xã hội. Cụ thể, tờ trình về ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. Theo đó, TPHCM đã xây dựng các cơ sở lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP. Dựa trên các tiêu chí, TP đã chọn 41 dự án, trong đó 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 6 dự án lĩnh vực y tế, 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao - văn hóa.
Về lĩnh vực thể thao - văn hóa, TPHCM đã đề xuất hàng loạt dự án quy mô lớn như trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, các công trình phục vụ thể thao... Dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong danh mục này là xây dựng mới sân vận động có bố trí đường chạy điền kinh 50.000 chỗ. Dự án được đặt tại TP Thủ Đức với diện tích gần 11ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Các dự án đáng chú ý khác là xây dựng mới Học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với diện tích 3,88ha ở TP Thủ Đức, tổng vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất đầu tư dự án xây dựng mới các đường đua xe đạp địa hình, mô tô địa hình, đường đua xe Go-Kart, nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô, cụm trường bắn súng và bắn cung. Trong số 23 dự án đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, có đến 16 dự án được đặt tại TP Thủ Đức.
Đối với tờ trình kế hoạch đầu tư công năm 2024, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho TPHCM dự kiến là 3.686,56 tỷ đồng. Trong đó, 2.545,89 tỷ đồng vốn trong nước và 1.140,67 tỷ đồng vốn nước ngoài.
UBND TPHCM đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án như: Dự án xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường Vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45,89 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên 1.500 tỷ đồng…
Tổng số ngân sách địa phương của TPHCM được Bộ KH-ĐT thông báo dự kiến hơn 75.577,2 tỷ đồng. UBND TP đề xuất phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 74.282,709 tỷ đồng. Trong đó, bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hơn 1.227,9 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP hơn 6.814,8 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư sử dụng vốn ngân sách TP hơn 58.431,6 tỷ đồng.
Đồng thời, phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và TP Thủ Đức từ nguồn vốn ngân sách TP hơn 1.294,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ
Đối với tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số chính sách đặc thù cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ từ năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, xã Thạnh An được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách ưu đãi đặc thù đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại xã đảo.
Đặc thù hoạt động kinh tế người dân trên xã đảo là đánh bắt thủy sản, làm muối, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Việc đóng tiền ăn, tiền học tạo thêm gánh nặng cho người dân. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục ở xã không thu được tiền học phí công lập và tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của số học sinh trong diện phải thu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà trường.
Do đó, UBND TPHCM đề xuất hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông (gồm THCS và THPT) cư trú ở xã đang học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã, năm học 2023-2024 đến 2025-2026 bằng với mức học phí tại Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM (là từ 100.000-200.000 đồng/học sinh/tháng). Từ năm 2026-2027 trở đi, hỗ trợ mức học phí do HĐND TPHCM quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
TPHCM cũng hỗ trợ thêm tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, áp dụng từ năm học 2023-2024. Mức hỗ trợ 135.000 đồng/học sinh/tháng ở bậc tiểu học; 180.000 đồng/tháng ở bậc THCS và 280.000 đồng/tháng ở bậc THPT. Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non cư trú ở xã đảo Thạnh An đang học tại xã này là 160.000 đồng/tháng; tiền đò và ăn trưa cho học sinh cư trú tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An (gồm tiểu học, THCS, THPT) là 990.000/học sinh/tháng. Thời gian áp dụng từ 1/1/2024 và không quá 9 tháng/năm học. Dự trù kinh phí thực hiện 4 chính sách trên hơn 1,35 tỷ đồng/năm, từ nguồn ngân sách TP.