Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL: Theo Khoản 4, Điều 12, Nghị định 18/2015/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chủ dự án phải tiến hành tham vấn vấn các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, và sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhà máy gởi văn bản ĐTM chỉ gửi cho UBND và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A. Phần tham vấn cộng đồng dân cư do Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) tiến hành, chỉ khảo sát đúng 20 người dân ở xã Phú Hữu A về tác động đối với đất, nhà và hoa màu hết sức sơ sài, không thể chấp nhận. Dự án gần kề TP.Cần Thơ nên cộng đồng được tham vấn ít nhất phải có TP.Cần Thơ và tổ chức được tham vấn ít nhất phải có Trường Đại học Cần Thơ. Ông Lê Anh Tuấn Tôi xin nhấn mạnh thêm về thủy sản nước ngọt ĐBSCL. Nguồn thủy sản liên quan đến sông Mekong ước tính 220.000 - 440.000 tấn/năm và sản lượng đánh bắt thủy sản ven biển ĐBSCL khoảng 500.000-700.000 tấn/năm. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), vào mùa mùa khô, thủy sản tập trung rất nhiều ở cửa sông Hậu, nên thảm họa môi trường xảy ra tại đây sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng. Chúng tôi thật sự bất ngờ về dự án. Một dự án khổng lồ như thế và mối quan ngại chính nằm ở chất lượng nước thải mà ĐTM cho biết tổng kinh phí giành cho giám sát 15 chỉ tiêu chất lượng nước thải trong giai đoạn hoạt động, một năm chỉ 43.960.000 đồng với tần suất giám sát là 4 lần. Con số kinh phí giành cho giám sát chất lượng nước thải so với rủi ro những thiệt hại to lớn như vậy thì rõ ràng là như chuyện đùa. |