Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người không khoan nhượng với tham nhũng

Thứ Năm, 25/07/2024 10:42

|

(CATP) Một trong những điểm nhấn quan trọng, gắn liền với tên tuổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tinh thần quyết liệt của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Với sự liêm khiết, cương trực của mình, người đứng đầu Đảng đã phất ngọn cờ chống tham nhũng lên cao nhất, mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất.

"Đốt lò” không phải là khẩu hiệu

Quyết tâm chống tham nhũng là ý chí xuyên suốt trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt từ khi ông được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quan điểm chống tham nhũng "không ngừng, không nghỉ” được thể hiện đậm nét, nhất quán trong mọi lời nói và hành động của Tổng Bí thư, khiến cho cuộc chiến với "giặc nội xâm" này đã "thực sự trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".

Từ quyết tâm của người đứng đầu Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Nhờ thế, chống tham nhũng được thực hiện ngày càng bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. "Đốt lò” đã không còn là khẩu hiệu khi tất cả các ngành, các cấp đều vào cuộc; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước được siết chặt.

Thống kê cho thấy, trong 10 năm từ 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 16/8/2023)

Tương tự, các ngành thanh tra, kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm...

10 năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự.

Nhìn lại 10 năm này, Tổng Bí thư từng nhấn mạnh, kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng phản ánh rõ quan điểm "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...".

"Tôi đã nhiều lần nói rằng, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây", Tổng Bí thư nêu rõ.

Bịt kín kẽ hở

Có được thành quả kể trên, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhiều lần lưu ý việc hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Từ quan điểm chỉ đạo này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

"Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực, theo Tổng Bí thư, là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, không ít lần ông nhấn mạnh, phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch" - Tổng Bí thư yêu cầu.

Người đứng đầu Đảng cũng không quên đề cập đến các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; quy định về bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có đầy đủ các "biện pháp" này sẽ kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, sẽ bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Đi liền với việc hoàn thiện thể chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Từ đây, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng.

Tổng Bí thư đánh giá, nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, "thân quen", "cánh hẩu", "lợi ích nhóm" giảm hẳn.

Tổng Bí thư cũng nhìn nhận, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và đối thoại với các tầng lớp nhân dân cũng được quan tâm...

Bằng sự chỉ đạo, điều hành bài bản, linh hoạt, nhất quán từ lời nói đến hành động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự đổi thay mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương. Đổi thay ấy, không phải chỉ thể hiện ở những con số thống kê, mà là sự thay đổi từ trong nhận thức của toàn hệ thống chính trị, và minh chứng cho tính hiệu quả ấy, là niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước đã, đang trở lại.

"Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì”, không ngừng", "không nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bình luận (0)

Lên đầu trang