TPHCM: Lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân trong xây dựng Đảng

Thứ Ba, 28/07/2020 20:09

|

(CAO) Sáng 28/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến của các giới, các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại hội nghị, các đại biểu là các nhân sỹ, trí thức, chuyên gia; chức sắc, chức việc các dân tộc, tôn giáo của Thành phố; đại diện kiều bào, thân nhân kiều bào; thành viên Hội đồng tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh… đã tập trung góp ý với Đảng bộ Thành phố nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt tập trung vào công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; thúc đẩy gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Quang cảnh hội nghị

Phát huy nguồn lực kiều bào

Theo bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã phát triển lớn mạnh. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cần có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn, để người dân hiểu rõ vị thế của đất nước, của Thành phố hiện nay, từ đó tạo thành động lực thúc đẩy hiệu quả hoạt động đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, Nhà nước đã nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi đưa đồng bào Việt Nam ở các vùng dịch trở về nước, chăm sóc y tế, từ đó đã tạo nên niềm tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó với Tổ quốc của người Việt Nam tại nước ngoài. Chính vì vậy, cần có những giải pháp tăng cường hơn nữa công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trí thức kiều bào góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố và đất nước.

Có ý kiến tương đồng, ông Nguyễn Thái Hồng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan, cho rằng cần có những biện pháp cụ thể để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân. Đảng, Nhà nước cần có chính sách cập nhật, phù hợp với thực tế để thu hút, biến tình cảm của kiều bào đối với Tổ quốc trở thành sức mạnh, động lực tham gia đầu tư, đóng góp trí tuệ, tài lực cho sự phát triển của đất nước.

Cũng đóng góp vào hoạt động đối ngoại nhân dân, nhưng Hòa thượng Thích Thiện Quý, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị cần có chính sách thúc đẩy tích cực các hoạt động đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, không chỉ tăng cường giao lưu, tình đoàn kết giữa nhân dân các nước mà còn có tác dụng tăng cường sự hiểu biết, thể hiện sự ưu việt, tính tốt đẹp của chính sách dân tộc, tôn giáo mà Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán thực hiện lâu nay.

Phát triển văn hóa mang tính dân tộc, nhân văn

Tại hội nghị, một số đại biểu đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố trong lĩnh vực phát triển văn hóa và Đề án Phát triển văn hóa giai đoạn 2020-2035 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Phú Văn Hẳn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đang có khoảng gần 500.000 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những cộng đồng lớn như người Hoa, Khmer, Chăm... đã có thời gian sinh sống lâu dài tại Thành phố, mang lại những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống cho Thành phố.

Tuy nhiên, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác chưa khai thác hết những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ cho sự phát triển Thành phố. Thành phố cần có chính sách phù hợp phát triển các thể chế văn hóa, địa điểm văn hóa để bảo tồn, lưu truyền và phát huy văn hóa dân tộc.

Cũng về vấn đề này, Mục sư Nguyễn Thế Hiển, Trưởng ban Đại diện của Hội thánh Tin lành Miền Nam (Việt Nam) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Đề án Phát triển văn hóa giai đoạn 2020-2035 còn thiếu sự quan tâm đến phát triển lĩnh vực âm nhạc yêu nước, cách mạng cho giới trẻ. Vì vậy, Đảng bộ Thành phố cần quan tâm đến chính sách phát triển âm nhạc yêu nước nhằm khơi dậy tinh thần ái quốc, nhân văn, nghĩa tình cho giới trẻ Thành phố; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân bằng giao lưu văn hóa, âm nhạc để giới thiệu đến bạn bè quốc tế một Thành phố Hồ Chí Minh năng động, giàu tính văn hóa.

Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thành viên Hội đồng tư vấn Văn hóa-xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Đề án Phát triển văn hóa giai đoạn 2020-2025 mới chỉ quan tâm đến văn hóa nghệ thuật mà chưa đề cập đến xây dựng văn hóa cá nhân, gia đình, cơ quan - vốn là các yếu tố cấu thành quan trọng tạo nên văn hóa của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có có kế hoạch xây dựng thiết chế văn hóa; xây dựng trường học kiểu mẫu; giáo dục các học sinh có tư chất văn hóa, văn minh; cần nâng cao trách nhiệm của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị-xã hội trong giáo dục, huấn luyện giới trẻ phát triển nhân cách năng động, hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Trần Tấn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn Dân tộc, tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, cho rằng Đề án phát triển văn hóa cần dành thêm một phần cho việc đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong nếp sống văn minh đô thị hay lễ hội tín ngưỡng tôn giáo có nội dung gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và hòa hợp dân tộc. Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu mô hình trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho phát triển văn hóa Thành phố; xây dựng chính sách thu hút nhân dân đến với các bảo tàng, điểm bảo tồn văn hóa của Thành phố. Đặc biệt cần có chính sách phát huy nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực các tôn giáo tham gia cùng Nhà nước xây dựng đạo đức xã hội và nền văn hóa.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đóng góp ý kiến với Đảng bộ Thành phố trong các lĩnh vực nâng cao hiệu quả giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; tăng cường vai trò, hiệu quả của công tác dân vận, tuyên giáo trong xây dựng sự đồng thuận toàn dân đối với các vấn đề xã hội của Thành phố như bảo vệ môi trường, chống xả rác ra nơi công cộng; giảm ùn tắc giao thông; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ và hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Thay mặt Ban Tổ chức, ông Ngô Văn Luận, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, cảm ơn tình cảm, sự tâm huyết của các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân đối với sự phát triển Thành phố.

Những ý kiến của các đại biểu đóng góp về những vấn đề quan trọng của Thành phố thể hiện tính dân chủ, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, giúp Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định đúng nguyện vọng, nhu cầu của quần chúng, cán bộ để bổ sung vào các văn kiện Đại hội Đảng cho phù hợp với tình hình thực tế/.

Bình luận (0)

Lên đầu trang