(CATP) Mới đây, đại diện cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương, UBND TPHCM đã ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giữa 3 tỉnh, TP thực hiện theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 và Nghị quyết số 74/NQ-CP để trình Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định...
Theo đề án, sẽ thành lập TPHCM là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp 3 ĐVHC gồm các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM trên cơ sở thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở; bảo đảm sau sắp xếp TPHCM là thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp; phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Cụ thể, TPHCM mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 6.772,65km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 16.818 ĐVHC trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Các ĐVHC cùng cấp liền kề: Đồng Nai, Tây Ninh, ĐồngTháp, Lâm Đồng. Trung tâm hành chính - chính trị của TPHCM sẽ đặt tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, Quận 1. Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương tại đường Lê Lợi, P.Phú Chánh, TP.Thủ Dầu Một (cơ sở 2). Còn Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại số 01 đường Phạm Văn Đồng, P.Phước Trung, TP.Bà Rịa (cơ sở 3).
Ông Võ Văn Hoan - PCT UBND TPHCM cho biết, sẽ có một số khó khăn, thách thức nhất định từ việc sáp nhập 3 tỉnh, TP nói trên, tuy nhiên TPHCM mới sẽ phát huy ưu thế của 3 tỉnh, thành phố có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung. Đồng thời, TPHCM sau sắp xếp có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân; đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; cũng như phát huy hiệu quả kết nối hạ tầng giao thông giữa TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu về đường bộ, đường thủy, biển, liên kết giữa các cảng biển của TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và cả cảng biển của tỉnh Bình Dương trong quản lý và vận chuyển hàng hóa. UBND TPHCM cũng đã thông tin về phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp ĐVHC của 3 tỉnh, TP.

TPHCM phát triển từng ngày (Ảnh mang tính minh họa)
Về tổ chức chính quyền; sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TPHCM (mới) có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 113 phường, 54 xã và 01 đặc khu. Chính quyền địa phương TPHCM (mới), đơn vị hành chính cấp xã (mới) hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025 (đối với cấp xã) và chậm nhất là ngày 15/9/2025 (đối với cấp tỉnh). Thành phố còn 15 sở và tương đương, 01 Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023/QH15; giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập (có đề án sắp xếp riêng).
Về tổ chức Đảng; sau sắp xếp, TP có 06 tổ chức đảng cấp trên cơ sở gồm: Đảng bộ UBND TP, Đảng bộ cơ quan Đảng TP, Đảng bộ Công an TP, Đảng bộ Quân sự TP, Đảng bộ Bộ đội biên phòng TP, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP; 168 Đảng bộ cấp trên cơ sở (cấp xã). Về tổ chức cơ quan lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam của Thành phố mới thành lập; công nhận danh sách Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (lâm thời).
Liên quan đến phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp ĐVHC, theo đề án, tổng số biên chế được giao năm 2025 của TPHCM, bao gồm: Khối Sở - ngành: 6.823 cán bộ, công chức; 32.189 viên chức; 4.087 người lao động; 24.052 số lượng người làm việc; Khối quận - huyện, thành phố: chuyển 4.946 biên chế công chức được giao năm 2025 để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới; chuyển 95.613 biên chế viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước được giao năm 2025 để bố trí vào biên chế viên chức cấp xã đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện được giao cho cấp xã được thành lập sau sắp xếp quản lý...
PCT UBND TPHCM Võ Văn Hoan một lần nữa nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TPHCM sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu...; góp phần hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.