(CAO) Máy bay của thực dân Pháp ập đến rồi điên cuồng cắt bom, đất rừng rung chuyển khiến tảng đá lớn trên vách núi đổ ụp bịt kín cửa hang nơi có 11 dân công hỏa tuyến đang trú ẩn.
Hang Co Phường, còn gọi là Co Phương, tại xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa trở thành nơi yên nghỉ ngàn đời của những người con kiên trung.
Hang Co Phương nằm trong quần thể dãy núi lớn Pố Há, tại xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo tiếng dân tộc Thái thì hang Co Phương có nghĩa là “hang có cây khế”. Theo khảo sát của Sở Văn Hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, hang Co Phương là hang núi do thiên nhiên kiến tạo có diện tích khoảng từ 18 - 20 mét vuông, nơi cao nhất của trần hang khoảng 4 mét.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch Thượng Lào của liên quân Lào-Việt, hang Co Phương có vai trò vô cùng quan trọng. Đây vừa là kho, trạm quân lương lại cũng là nơi trú chân của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của ta. Thời điểm đó tuyến đường bộ 15A, đoạn qua xã Phú Lệ thường bị máy bay của giặc Pháp ném bom, bắn phá. Để đảm bảo giao thông, đoạn đường này luôn có lực lượng thanh niên xung phong túc trực, đảm bảo giao thông thông suốt.
Cửa hang Co Phường - Ảnh: Thanh Hoàng
Câu chuyện về ngày định mệnh, ngày thực dân Pháp ném bom oanh tạc khu vực xã Phú Lệ làm 24 dân công hỏa tuyến hy sinh vẫn được bà con dân bản Sại kể lại cho lớp con cháu. Vào sáng ngày 2-4-1953, máy bay Pháp tiếp cận Phú Lệ theo dọc con đường huyết mạch 15A. Để đảm bảo bí mật, an toàn hàng trăm thanh niên xung phong, dân công đang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí liền tản ra, di chuyển vào rừng. Rất nhiều người đã chọn hang Co Phương làm nơi trú ẩn.
Tuy nhiên đau thương bao trùm cả khu vực núi rừng hẻo lánh khi máy bay của thực dân Pháp thả bom. Một quả bom găm thẳng vào sườn núi Pố Há rồi nổ tung. Những tảng đá lớn rầm rầm tụt xuống chân núi. Cửa hang Co Phương bị những phiến đá liền khối như gian nhà bít kín. Sau khi máy bay của thực dân Pháp rút đi, quanh khu vực hang Co Phương chìm trong cảnh tan thương. Người bị thương, người hy sinh nằm la liệt. Đồng đội và nhân dân biết có nhiều người còn kẹt trong hang nhưng không có cách nào cứu được. Tảng đá quá lớn bịt kín cửa hang khiến mọi nỗ lực cứu người đều trở nên vô nghĩa.
Hang Co Phường trở thành di tích - Ảnh: Thanh Hoàng
Chính vì vậy, tất cả những người mắc kẹt trong hang đều chết khi không còn lương thực, hết dưỡng khí. Đến nay cơ quan chức năng mới chỉ xác định được danh tính của 11 liệt sĩ hy sinh khi trú ẩn trong hang Co Phương mà chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu người mắc kẹt trong hang sau vụ ném bom này.
Những người hy sinh đa số đều còn đang ở độ tuổi Thanh Xuân và chưa lập gia đình. Một số người vừa cưới vợ hoặc vừa có con nhỏ nhưng vẫn lên đường làm nhiệm vụ vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, vì lòng căm thù giặc. Đến nay, nhiều phương án phá cửa hang để
quy tập hài cốt liệt sĩ cũng đã được tính đến. Sau nhiều cuộc trao đổi, do việc tìm được hài cốt cũng như xác định danh tính của từng hài cốt có thể gặp khó khăn nên thân nhân gia đình các liệt thống nhất giữ nguyên hiện trạng hang Co Phương. Các liệt sĩ sẽ mãi mãi bình yên trong lòng đất mẹ.
Cầu nguyện cho các liệt sĩ - Ảnh: Thanh Hoàng
Danh sách các liệt sỹ - Ảnh: Thanh Hoàng
Trong chiến dịch Thượng Lào (1953), nhân dân Thanh Hóa đã huy động hơn 113.000 dân công dài hạn và hơn 148.000 dân công ngắn hạn làm công tác giao thông và phục vụ chiến dịch. Ngoài ra Thanh hóa cũng huy động 8 ô tô, 2000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền vận chuyển 8.000 tấn gạo và hàng chục ngàn tấn thực phẩm đảm bảo 70% nhu cầu hậu cần của toàn chiến dịch. |