Xếp hạng Đại học Việt Nam: Cần nhìn nhận một cách khách quan

Thứ Hai, 11/09/2017 22:00

|

Ngày 6-9, nhóm chuyên gia độc lập gồm các nhà giáo dục (GD) và các nhà khoa học người Việt đang làm việc trong nước và tại một số quốc gia trên thế giới đã công bố bảng xếp hạng (BXH) đối với các trường đại học (ĐH) Việt Nam (VN).

Đây là BXH đại học đầu tiên ở VN, do chính người VN thực hiện, việc đánh giá dựa vào các tiêu chí về nghiên cứu khoa học (NCKH), GD và ĐH, cơ sở vật chất và quản trị. Đại học Tôn Đức Thắng đứng vị trí thứ 2 trong nhóm 5 trường ĐH hàng đầu VN chỉ sau ĐH Quốc gia Hà Nội; nhưng riêng về lĩnh vực NCKH, ĐH Tôn Đức Thắng được xếp vị trí đầu.

Việc công bố BXH này ngoài ý kiến ủng hộ, cũng có không ít người tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo cách làm việc của nhóm chuyên gia, mọi người thấy họ đã làm việc khách quan và công tâm. Dữ liệu nhóm xây dựng có thể nói là chưa chính xác hoàn toàn và phương pháp thì cần được cải tiến. Chẳng hạn việc đánh giá cơ sở vật chất và quản trị của ĐH Tôn Đức Thắng chỉ ở hạng 24 là chưa chính xác, vì nhóm đã sử dụng dữ liệu cũ của trường. Riêng về cơ sở vật chất và quản trị ĐH thì hiện nay ĐH Tôn Đức Thắng có thể phải đứng hạng rất cao.

Việc đánh giá nghiên cứu của các trường ĐH dựa trên chuẩn công bố ISI/Scopus (research/review articles) là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đây là sự tiếp cận cần thiết và có phần tương đối trễ, trong bối cảnh các trường ĐH Việt Nam cần vươn ra thế giới. Nói đến nghiên cứu khoa học thì phải là cuộc chơi toàn cầu, không thể kể hoàn cảnh được. Kinh nghiệm tại ĐH Tôn Đức Thắng, trường xác định đi theo hướng ĐH nghiên cứu nên đã xác định NCKH theo chuẩn quốc tế. Đối với công bố quốc tế, trường chỉ đầu tư công bố trên các tạp chí ISI/Scopus, kết quả là trong thời gian qua công bố của trường tăng lên rất đáng kể, cụ thể:

Hiện trường sở hữu 4 bằng sáng chế Hoa Kỳ trong số 22 sáng chế Hoa Kỳ do các chủ thể ở VN sở hữu (assignee). Đại học Tôn Đức Thắng thường xuyên đăng tuyển dụng chuyên gia trên toàn thế giới và hiện có rất nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về công bố quốc tế làm nhân sự cơ hữu cho trường. Việc này chẳng những góp phần thúc đẩy việc NCKH tại trường mà còn góp phần tăng thêm vị thế của VN trên trường quốc tế.

Về câu hỏi mà nhiều người băn khoăn là có cần xếp hạng ĐH không, thì câu trả lời là không phải chỉ cần, mà là rất cần. Thực tế tại Phần Lan, một đất nước có nền GD hàng đầu thế giới, các trường ĐH (yliopisto) luôn xem xếp hạng ĐH là yếu tố sống còn của họ. Một số trường ĐH lâu đời của Phần Lan có hạng thấp phải chấp nhận việc sát nhập vào các ĐH khác để được tăng hạng lên. Ví dụ: ĐH Aalto, hiện xếp hạng 137 thế giới theo QS, được thành lập năm 2010 trên cơ sở sát nhập ĐH Kỹ thuật Helsinki, ĐH Kinh tế Helsinki và ĐH Mỹ thuật Helsinki. Kết quả là Phần Lan hiện có hơn 70% số trường ĐH nằm trong top 500 trường của thế giới, theo các tổ chức xếp hạng ĐH uy tín. Việt Nam muốn học Phần Lan về GD thì chắc sẽ chia sẻ với họ về kinh nghiệm quý báu ấy.

Việc xếp hạng ĐH chẳng những giúp các trường định vị được vị trí của mình đồng thời thúc đẩy chính họ phải đổi mới để phát triển, mà còn giúp cho các nhà quản lí thấy được hiệu quả đầu tư cho các trường ĐH như thế nào. Và quan trọng hơn nữa, xếp hạng ĐH sẽ giúp sinh viên và phụ huynh có sự lựa chọn hợp lí đối với các trường mà họ muốn theo học, vì bản thân họ không thể tự đánh giá được. Cần nhấn mạnh, hiện nay học sinh phổ thông và phụ huynh rất bối rối khi phải chọn trường ĐH để nộp hồ sơ. Họ thường dựa vào những thông tin cảm tính, truyền miệng hoặc các kênh quảng cáo, trong khi những nguồn này thường không dựa vào dữ liệu khoa học (data). Vì lẽ đó, xếp hạng ĐH đã giúp xã hội giải quyết được khó khăn này.

Nói chung, xếp hạng ĐH là một việc khó khăn, cần nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, nhóm làm việc trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí tài trợ từ bất kỳ nguồn nào. Kết quả bước đầu đạt được rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Thời gian tới, nhóm cần tiếp tục cải tiến cách đánh giá và phương pháp tiếp cận dữ liệu của các trường ĐH, sao cho BXH này ngày càng hoàn thiện hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang