Hà Nội: Rà soát các cầu vượt sông, cấm phương tiện đi qua cầu yếu

Thứ Ba, 10/09/2024 09:23  | Mai Hà

|

(CAO) Ban An toàn giao thông TP.Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác khắc phục hậu quả mưa bão số 3.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra là các đơn vị phải khẩn trương rà soát các cầu vượt sông và cấm xe đi qua các cầu yếu.

Ban An toàn giao thông TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT Hà Nội cùng với các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cầu vượt sông trên địa bàn thành phố đang quản lý.

Cầu Long Biên - một cây cầu bắc qua sông Hồng có tuổi đời hơn 120 năm.

Với các cầu yếu có nguy cơ bị đổ sập cần khẩn trương cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu và có biện pháp phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian cấm lưu thông.

Lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội được giao phối hợp với lực lượng công an, các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, phân luồng các phương tiện qua các vị trí kết cấu hạ tầng giao thông xảy ra sự cố do ảnh hưởng bão số 3.

Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cũng đề nghị: UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tập trung rà soát và có phương án tổ chức giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông xảy ra sự cố do ảnh hưởng của bão, đặc biệt tại các vị trí cầu yếu và điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn; kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông qua các cầu có nguy cơ bị đổ sập.

Nước lũ trên sông Hồng, đoạn qua cầu Long Biên vào sáng nay

Trước đó, tháng 7-2024, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn hơn 100 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trong đó, hiện có 55 công trình cầu do TP quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa.

Cụ thể: Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), cầu Yên Sở (Hoài Đức), cầu Chiếc...

Đối với các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý, UBND các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo đối với 89 cầu. Cụ thể các cầu yếu như: Cầu Văn Minh bắc qua kênh Bìm (Nam Tiến, Phú Xuyên), Cầu Kiều Đông (Phú Xuyên), cầu Gồ (Vân Côn, Hoài Đức), cầu qua sông Tây Ninh (Ứng Hoà)...

Hà Nội tập trung ứng phó lũ lớn

Đêm 9/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các sông.

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.

Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông..; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ…

Bình luận (0)

Lên đầu trang