Xót xa người đàn ông xây phòng nhốt con bị tâm thần suốt 20 năm

Thứ Sáu, 10/07/2015 09:59  | Diễm Phước- Văn Tình

|

(CAO) Trong căn nhà nhỏ chỉ có 4 con người mà ai cũng bệnh tật, đau ốm. Xót xa hơn khi người con trai thứ 2 bị tâm thần thường xuyên đập phá đồ đạc và đánh người thân nên vợ chồng ông Hoạt phải xây phòng nhốt riêng suốt 20 năm nay.

Vượt qua một đoạn đường dài ngoằn nghèo dưới cái nắng gay gắt, bụi bặm của miền Trung, chúng tôi được người dân dẫn đến một ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ của gia đình ông Lê Trọng Hoạt (SN 1948, ngụ xóm Nam Phong, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Vừa bước chân qua cổng, bất ngờ từ trong nhà phát ra tiếng đập phá loảng xoảng và những tiếng gào thét man dại. Dù đã chuẩn bị trước nhưng chúng tôi cũng không khỏi giật mình, kinh hãi trước những âm thanh hỗn độn đó.

Thấy khách đến, từ trong nhà, ông Hoạt bước ra mời chúng tôi vào uống nước. Ông Hoạt kể, gia đình ông vốn “nghèo từ trong trứng nước” nên sau khi cưới nhau, dù hai vợ chồng đã cố gắng siêng năng làm lụng nhưng cuộc sống cũng không khấm khá lên được.

Đã vậy, vợ ông - bà Nguyễn Thị Dục lại là người cũng không được tỉnh táo như người khác vì mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. “Đó là một con người hiền lành chất phác, chỉ biết bảo gì làm nấy, nói sao biết vậy” – ông Hoạt tự an ủi về người vợ kém linh hoạt của mình.

Vợ chồng ông Hoạt sinh được 4 người con, trong đó có 2 người khỏe mạnh, 2 người còn lại ốm đau, bệnh tật triền miên khiến cho đôi vợ chồng già vẫn chưa một ngày được sống trong vui vẻ. 

Do mỗi lần phát bệnh, anh Hiền hay đập phá đồ đạc, đánh người thân nên suốt 20 năm nay ông Hoạt phải xây phòng nhốt riêng sau nhà 

Khoảng năm 1993, tai họa bỗng nhiên ập đến gia đình ông khi cậu con trai thứ hai là Lê Trọng Hiền vốn khôi ngô, ngoan ngoãn vừa bước vào tuổi 16, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời thì bỗng nhiên phát bệnh lên cơn co giật. Quá lo sợ, ông Hoạt đưa con đến trạm xá Đồng Lộc để kiểm tra, chữa trị nhưng vẫn không lành.

Không nản chí, ông quyết định bán hết thóc lúa và những tài sản trong nhà rồi tất tả ngược xuôi đưa con đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi để chữa bệnh. Dù xa hay gần, đông y hay tây y gì ông cũng đều tìm đến. Cuối cùng bệnh của anh Hiền cũng thuyên giảm.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu anh Hiền lại tái phát bệnh. Một lần nữa, ông Hoạt  khăn gói đưa con đi chữa. Bệnh của anh Hiền lại thuyên giảm. Nghĩ là ông trời đang còn thương mình, nào ngờ đến năm 1995 anh Hiền lại tiếp tục phát bệnh.Ông Hoạt lấy thuốc về cho uống thế nào cũng không đỡ. Lâu dần, bệnh co giật của anh Hiền chuyển sang bệnh tâm thần.

Nghẹn ngào, ông Hoạt kể lại: “Tôi đã nhiều lần ôm con xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để điều trị, nhưng vì không có tiền chữa trị thường xuyên, nên bệnh của nó ngày càng nặng thêm. Mỗi lần lên cơn, nó cứ nổi điên đập phá đồ đạc, tự xé quần áo, nhiều lúc còn đánh  cả tôi. Dù không bao giờ muốn, nhưng cuối cùng tôi đành phải vay tiền bà con xây một căn buồng nhỏ ở sau nhà để nhốt con lại trong đó”. 

Ông Lê Trọng Hoạt trước ngôi nhà cũ kỹ của mình 

Căn buồng nhỏ ẩm thấp, không giường, chiếu mà chỉ có mấy miếng ván ghép lại để giữa nền cho anh Hiền nằm. Do cứ mặc quần áo vào là bị anh Hiền xé nên về sau này gia đình đành để anh trần truồng hết mùa đông sang mùa hè. Vì bị nhốt quá lâu, chân tay bị teo tóp, người đen nhẻm chỉ còn da bọc xương nên giờ đây anh Hiền không thể nào đi lại được. Mỗi lần đến bữa ăn, người mẹ cứ mang một tô cơm đứng ngoài cửa để đút vào. Hàng tuần, bà Dục chỉ vào quét dọn lau chùi một vài lần để lấy chỗ cho con nằm.

Xót xa hơn, giờ đây mỗi lần nhìn thấy ông Hoạt là anh Hiền lại nổi điên gào thét. 

Đã vậy, cô con gái út Lê Thị Hằng (1982) cũng bị mắc căn bệnh thiểu năng trí tuệ giống mẹ mình, vì đầu óc kém phát triển nên học đến lớp 3, Hằng tự bỏ học ở nhà, thỉnh thoảng phụ giúp bố mẹ, anh chị được chút việc vặt trong nhà hay đồng áng . Dù đã hơn 30 tuổi nhưng tính tình cũng như những suy nghĩ của chị chẳng khác một bé gái mới lớn là bao.

“Bây giờ sức khỏe của tôi yếu lắm, lại thêm căn bệnh viêm phế quản hoành hành. Rồi đây, lỡ tôi có chết đi không biết những đứa con bệnh tật của tôi sẽ sống ra sao khi mình không còn trên cõi đời này nữa” – giọng ông Hoạt chùng xuống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang