(CATP) Chiến tranh đưa đẩy cô đến cửa chùa rồi gắn bó với Phật pháp. Trong giai đoạn nào của lịch sử, vị nữ tu này cũng đề cao quan điểm “đạo gắn bó với đời”, trở thành nơi bảo bọc bao mảnh đời côi cút, bất hạnh. Bà cũng là người nhiệt tình “nối nhịp bờ vui”, mở ra tương lai, hy vọng cho nhiều làng quê nghèo.
Nhiều tấm lòng thiện nguyện tìm về học trò nghèo
Đến với một số vùng quê nghèo ở Kiên Giang, chúng tôi thấy khá nhiều cây cầu nối qua các sông rạch, giúp người dân đi lại thuận tiện, trẻ em đến trường được an toàn mang tên “Hội phước thiện hoa tình thương”. Tìm hiểu, người dân cho biết đó là “những bờ vui” do ni sư Thích Nữ Diệu Hoa xây tặng. Không chỉ nối gần 50 bến bờ, ni sư còn cùng hội từ thiện của mình xây nhiều trường lớp khang trang, sạch đẹp.
Niềm vui của thầy cô và ni sư Diệu Hoa ngày khánh thành trường mới
Chúng tôi tìm gặp ni sư vào một chiều tháng Tư, khi TP.HCM đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm Đại thắng mùa xuân năm 1975... Ni sư Diệu Hoa sinh năm 1945 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, có cha tham gia kháng chiến rồi hy sinh năm 1947, để lại cho người vợ trẻ tám đứa con thơ.
Chiến tranh loạn lạc, gieo bao đau thương, nhất là nơi vùng đệm và cửa ngõ Sài Gòn. Để tránh cảnh thường xuyên bị càn quét, người mẹ bồng bế, dắt díu các con vào nội thành tá túc tại chùa Kỳ Quang 1, quận Phú Nhuận. Từ đó, cả tuổi thơ của Diệu Hoa và chị gái Nhật Tịnh đều gắn bó với cửa chùa rồi trở thành tu sĩ khi đã trưởng thành.
Chùa Kỳ Quang 1 do Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sư, dù không lớn nhưng lại là mái ấm che chở bao phận đời bị đưa đẩy đến khốn cùng do thiên tai, chiến tranh. Sau trận bão lụt năm Nhâm Thìn, Quảng Nam - Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề khiến nhiều gia đình mất nhà cửa, người thân, trẻ em rơi vào cảnh côi cút.
Ni sư Nhật Tịnh thể theo nguyện vọng của Hòa thượng Thích Thiện Quang, đã ra Đà Nẵng đón hơn 300 em nhỏ đưa vào Trung tâm bảo trợ Quách Thị Trang và cô nhi viện của chùa nuôi dưỡng. Nhà chùa còn rộng cửa đón nhận nhiều trẻ em, người lớn bị chiến tranh xô đẩy không nơi nương tựa.
Niềm vui ngày khánh thành cầu
Năm 1974, khi Hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch, ni sư Nhật Tịnh lên thay, phát huy giáo huấn của sư thầy, tiếp tục làm điều thiện giúp ích cho đời. Trong số hàng trăm em nhỏ và dân thường được chùa nuôi dưỡng, bảo bọc có không ít nhận thức được vai trò của công dân trong giai đoạn đất nước bị ngoại bang xâm lấn đã tham gia cách mạng, hoạt động nội thành, góp sức giải phóng quê hương.
Khi hòa bình lập lại vào năm 1975, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ công an, văn hóa, hiệu trưởng... Hiện nay vào mỗi lần tổ chức họp mặt, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 Anh hùng vẫn trân trọng mời đại diện chùa Kỳ Quang 1 tham dự.
Khi ni sư Thích Nữ Nhật Tịnh viên tịch, ni sư Thích Nữ Diệu Hoa lại tiếp tục nối nghiệp truyền thống.
Nói về cơ duyên đưa đẩy gắn bó với nghiệp “nối nhịp bờ vui”, ni sư Diệu Hoa bộc bạch: “Trước năm 2000 trong một chuyến làm phước về miền Tây Nam bộ, chứng kiến cảnh các em nhỏ đến trường trên cây cầu khỉ lắt lẻo rất nguy hiểm, hình ảnh này cứ ám ảnh tôi mãi.
Năm 2007, hồi phục lại sau một cơn bạo bệnh, lại biết tin có vị hòa thượng đã phát tâm xây dựng hàng chục cây cầu tặng dân nghèo ở các vùng sâu vùng xa nên tôi nảy sinh ý định xây cầu. Mục tiêu của tôi là sẽ làm cầu gần trường học để giúp trẻ em tìm đến với tri thức thuận tiện hơn.
Đội mưa gió đi làm từ thiện
Cùng thời điểm đó, một trụ trì ở huyện Gò Quao, Kiên Giang báo tin có xã nghèo đang cần lắm một cây cầu. Chưa có đủ tiền nhưng tôi vẫn mạnh dạn: Tiền thì không lo, nhưng thiết kế thi công thì tôi không hiểu lắm. Nghe vậy, một tín chủ cho biết ông là kỹ sư xây dựng nên có thể đảm đương việc này. Tôi bắt đầu tích góp và vận động thêm. Đầu năm 2008, cây cầu trên khánh thành trong niềm vui sướng vô bờ của người dân địa phương.
Bắt đầu từ đó, tôi thường xuyên xuôi ngược về các vùng sâu vùng xa của Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... chọn địa điểm xây cầu. Để có thể giúp được nhiều nơi và kêu gọi nhiều người cùng góp sức, chúng tôi đã thành lập “Hội phước thiện hoa tình thương”. Đến nay, hội đã xây dựng được 48 cây cầu nông thôn, trị giá từ 70 triệu đến hơn 400 triệu đồng, mang niềm vui, sự thay đổi tích cực đến với biết bao mảnh đời nghèo khó”.
Được biết ngoài việc “nối đôi bờ vui”, ni sư Diệu Hoa cũng quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Mấy năm qua, “Hội phước thiện hoa tình thương” đã xây dựng nhiều mái trường khang trang, từ mẫu giáo, tiểu học, đến phổ thông trung học cho nhiều địa phương như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau...
Đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ni sư Diệu Hoa vẫn rất hào hứng với việc giúp ích cho đời. Chia tay ni sư, chúng tôi nhận được lời mời “nếu nhà báo không bận gì thì trung tuần tháng Tư này cùng chúng tôi về Kiên Giang khánh thành cây cầu nông thôn nối liền hai xã”. Trong lời nói, ánh mắt, nụ cười của ni sư, chúng tôi nhận ra hoa cửa Phật luôn tỏa ngát, dâng đời.
Huệ Trinh