(CAO) Cần xây dựng chính sách phù hợp để có giải pháp với phim chiếu mạng, chú trọng đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, là hai trong số những ý kiến đóng góp được chú ý trong Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng luật điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam.
Chương trình diễn ra tại TPHCM vào 19-8.
Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”- điện ảnh phim nhựa. Nhưng đến nay thì đã chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ những thay đổi trong quá trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim.
Thế hệ khán giả mới xem phim một cách tự do lựa chọn, linh hoạt và mang tính di động. Sự độc quyền nội dung theo thời gian phát sóng hay ra rạp đang ngày càng bị thu hẹp.
Gửi ý kiến đến Hội thảo, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng: “Cần xây dựng chính sách không chỉ đối với việc phát hành- phổ biến phim theo cách truyền thống ( tại rạp và trên truyền hình), cũng không chỉ đối với phổ biến phim trên internet và từ vệ tinh mà cần tính đến chính sách với các hình thức phát hành phim phi truyền thống, trong đó có web drama. Luật không hề điều chỉnh, cơ quan quản lý cũng “bỏ ngoài vòng tay” trong khi không ít web drama có số lượng lượt xem lên đến hàng chục triệu, gấp nhiều lần phim chiếu rạp”.
Thập tam muội, bộ phim web drama nhiều cảnh bạo lực
Ông Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định cần bỏ phương thức đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước bởi “đấu thầu đặt nặng mục tiêu kinh tế, trong khi bộ phim cần chất lượng nghệ thuật”. Ông cho biết chưa thấy nước nào có đấu thầu sản xuất phim.
Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh đến việc bổ sung quy định về nguồn thu cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, đặc biệt nguồn thu trích từ tỷ lệ phần trăm doanh thu phim rạp. Nguồn thu này cùng với Quỹ Phát triển điện ảnh đã được ngành điện ảnh đề xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến năm 2006 quỹ được luật hóa nhưng nguồn thu chính của quỹ cho đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
Ông Lưu Trọng Hồng cảm thán việc này giống như “đứa con được sinh ra, có tên trên giấy khai sinh, nhưng suốt 13 năm nay chẳng thấy hình thù”.
Bà Dương Thị Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM nhấn mạnh cần có một điều, khoản bảo vệ người sáng tác, biểu diễn trong ngành điện ảnh.
Bà lo lắng khi cứ lâu lâu lại có việc nhà đầu tư, sản xuất nợ tiền diễn viên, người làm phim. “Rồi xảy ra việc của Vợ Ba. Chúng ta lo bộ phim làm ra như thế nào, chất lượng ra sao, mà quên nhân thân người đóng phim.
Phim Vợ Ba
Luật cấm phim bạo lực, phim sex nhưng độ tuổi của người đóng cảnh phim nhạy cảm chưa được quy định. Rồi người diễn viên đã đóng phim, vướng phải một tội gì đó thì phim có bị cấm không”. – bà Thúy trăn trở.
Thời gian dự kiến trình thông qua là năm 2021, vì vậy một số nội dung luật sửa đổi cần phải có phần thuộc về “tầm nhìn, dự báo” đến khi Luật được thông qua.