(CAO) Series phim “Hồ sơ lửa” lấy ý tưởng từ những vụ án, câu chuyện có thật trong hành trình phá án của lực lượng công an nhân dân dài 1.100 đang quay ở phần 3 “Tử thi lên tiếng” và kịch bản do nhà văn Lại Văn Long, biên kịch Châu Thổ… chắp bút.
PV Báo Công an TP.HCM đã có buổi trò chuyện với biên kịch Châu Thổ để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong hành trình “giữ lửa” cho loạt phim hình sự dài tập này.
Những khó khăn hiện nay mà đội ngũ biên kịch series phim “Hồ sơ lửa” đang gặp phải để đáp ứng với tiến độ phát sóng?
Có thể thấy, “Hồ sơ lửa” là một thách thức lớn với chúng tôi, bộ phim đã tạo được sức hút lớn đối với khán giả truyền hình và sự thành công của bộ phim là sự kết hợp của nhiều lực lượng khác nhau, từ diễn viên, biên kịch cho đến nhà đầu tư, nhà sản xuất. Dưới áp lực cũng như kỳ vọng của người yêu truyền hình mà đội ngũ biên tập phải tập trung làm việc nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn.
Để đáp ứng với tiến độ phát sóng, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành kịch bản sớm nhất, sau nhiều lần chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn và yếu tố về chất liệu ngành công an cũng được đầu tư nhiều bởi vậy sự tìm tòi, hiểu biết của người biên kịch vì thế cần được trau dồi rất nhiều. Tiến độ phát sóng quá gấp, lịch phát sóng dày, chất lượng nhà đầu tư chưa đáp ứng với yêu cầu của nhà sản xuất là những khó khăn nhất định cần phải kể đến.
Theo bà, đề tài khán giả truyền hình đang quan tâm là gì?
Khán giả truyền hình hiện nay đa số là người nội trợ, những người lớn tuổi nên vì thế yêu cầu về khán giả không hẳn thích đề tài hình sự hay xã hội và tôi coi đây là điều khác lạ. Cạnh đó, yếu tố giải trí được khán giả chú trọng hơn cả vì cuộc sống mỗi người hằng ngày đối mặt với quá nhiều áp lực từ công việc, gia đình cho đến những mối quan hệ trong xã hội.
Dường như những nữ diễn viên chính trong “Hồ sơ lửa” là những người đẹp không chuyên, vậy bà nghĩ như thế nào về điều này?
Có thể thấy là như vậy vì hoa khôi Nam Em lần đầu đóng phim, Phan Thị Mơ đóng phim chưa nhiều… nhưng có lẽ bên cạnh yếu tố diễn viên chuyên nghiệp thì khán giả còn cần yếu tố thẩm mỹ. Điều này này mang lại cái nhìn mới mẻ cho người xem vì khán giả tập trung vào yếu tố “nhìn” là chủ yếu, tiêu chí này tỉ lệ thuận với yêu cầu của số đông.
Việc tập trung thể hiện những hình tượng đẹp, vừa mắt người xem nhưng không bị gắn mác “người đẹp diễn” hay “bình hoa di động” là sự cố gắng của chính diễn viên cũng như đạo diễn phim. Hiện nay, không chỉ riêng người đẹp qua các trường lớp diễn xuất mà những diễn viên không đẹp vẫn diễn xuất rất tốt và đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực điện ảnh.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là có nhiều diễn viên hiện nay chạy show quá nhiều đã không còn đầu tư cho vai diễn cũng như chưa thẩm thấu được nhân vật, tuyến nhân vật còn mờ nhạt chưa gây được nhiều dấu ấn cho khán giả.
Sự kết hợp giữa biên kịch Châu Thổ và nhà văn Lại Văn Long có phải là một sự tình cờ?
Mỗi người có mỗi thế mạnh riêng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, bản thân nhà văn Lại Văn Long cũng là một nhà báo nên Long có rất nhiều kinh nghiệm, chất liệu cuộc sống ngồn ngồn, phong phú, sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau trong công việc đã tạo cho chúng tôi sự thăng hoa trong sáng tạo.
Seris phim “Hồ sơ lửa” ra đời chính là ý tưởng của nhà văn Lại Văn Long, sau đó chúng tôi trao đổi, bàn bạc để cho ra đời đứa con tinh thần này. Cạnh đó, từ việc đi tìm nhà đầu tư cũng như chuẩn bị các chuỗi khâu sản xuất chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng tất cả cũng đã vượt qua.
Theo bà, điều gì khán giả đang chờ đợi ở “Hồ sơ lửa”?
Chính chất liệu có thật lấy từ báo Công an TP. HCM nên vì thế câu chuyện trong phim mang tính hiện thực cao. Tuy nhiên, trong nghệ thuật vấn đề hư cấu là điều không tránh khỏi và đó cũng như chất xúc tác để câu chuyện mềm mại hơn, chân thật hơn. Sự kết nối các đội hình sự đặc nhiệm lực lượng công an, đời sống tâm lý, tình cảm của người công an nhân dân cũng như tâm lý tội phạm trong phim đã thực sự đi vào đời sống.
Bên cạnh đó, “Hồ sơ lửa” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh có tên tuổi và dường như tất cả người làm nghề “bộ môn nghệ thuật chiều thứ 7” đều bị cuốn và dự án. Sự chờ đợi của khán giả chính là cơ hội để chúng tôi tạo nên một tác phẩm khác biệt. Kinh phí đầu tư lớn, sự kiểm duyệt kỹ càng thông qua nhiều khâu khác nhau đã làm cho bộ phim tạo được hiệu ứng tích cực trong lòng khán giả xem truyền hình. Vì thế, trọng trách của người làm nghề phải được chú trọng hơn và chính điều đó cũng là điều khán giả đang mong mỏi ở bộ phim.
Cám ơn bà vì buổi trò chuyện!