Đây là khung cảnh thi vị duy nhất trong cái khuôn viên chen chúc các công trình xây dựng, đất quý như vàng nên khoảng không ngày càng bị thu hẹp. Viện dưỡng lão này ra đời đã lâu, xưa nó thuộc vùng ngoại vi thành phố, nay nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư trùng điệp. Bao nhiêu năm rồi nó vẫn thế, những dãy nhà khô cứng, những hành lang xám xịt, lác đác vài chậu cây cằn cỗi, mọi hoạt động diễn ra đều đều, chầm chậm, mọi âm thanh nếu có lắm lúc còn nhẹ hơn tiếng chiếc lá vàng rơi. Cảnh quan khiến người ta liên tưởng mọi thứ không khác gì bước chân ngày càng ngắn, mái tóc ngày càng thưa của những dáng người đang chống chọi với thời gian.
Người phụ nữ già hơn nói giọng nghe xa xôi:
- Chị có thấy chú Cuội ngồi ôm gốc cây đa trên đó không?
Người phụ nữ trẻ hơn ngước nhìn mặt trăng, cười khúc khích:
- Lâu lâu nghe mấy đứa nhỏ hát "Có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ...", nhưng khi lên đến cung trăng, người ta chỉ thấy toàn đất và đá. Cây đa lẫn chú Cuội đều không có, còn mặt mũi chị Hằng xù xì, xấu xí lắm... Con người ta khéo thêu dệt, mộng mơ nên mới sinh ra nhiều huyền thoại, truyền thuyết, ma quỷ chẳng ai thấy nhưng nhiều người lại sợ quỷ ma...
Người phụ nữ già hơn chợt hỏi:
- Chị nói tuổi đã xấp xỉ 75, vậy chị có luyến tiếc điều gì ở trên đời không?
Ngừng một hồi lâu, người kia đáp:
- Nghèo quá, tiếc cái gì bây giờ? Làm quần quật hết năm này qua tháng khác, già lúc nào không hay. Một mẹ nuôi được 9 đứa con, mà 9 đứa con nuôi không nổi một mẹ. Tụi nó cũng nghèo quá, giống như đàn vịt, lúc đầu còn bám víu mẹ để ăn, dần dần thấy không còn bèo, rong gì nữa thì mỗi đứa tự bơi một phương. Sau khi ông chồng tàn tật qua đời, tôi không còn sức để bươn chải nên xin vào đây tá túc. Lâu lâu, thằng lớn chạy xe ba gác ghé vào thăm, gởi cho ít tiền hoặc miếng bánh, bịch trái cây. Số mình chắc do trời đặt để vậy rồi... Còn chị, chắc vô đây cũng lâu lắm rồi, ai cũng biết gia cảnh chị hết. Con cái khá giả mà sao...
Người phụ nữ già hơn bỗng đứng lên, dường như không muốn trả lời câu hỏi của người cùng cảnh ngộ. Nhiều buổi chiều ngồi trên ghế đá này, bà cũng tự hỏi tại sao mình phải vào cư ngụ ở cái nơi hiu hắt này, nơi được cho là an dưỡng thể xác nhưng lại làm da diết, giằng xé nội tâm của nhiều con người, sự tĩnh lặng đến tẻ nhạt cứ ngấm dần, âm thầm xâm chiếm giấc ngủ, bữa ăn, loang trắng cả tâm hồn. Cái màu trắng thê lương của nghĩa trang, của cánh đồng sau cơn bão lũ, của những thân thể tiều tụy không còn sinh khí.
Người già cần sự bình yên chứ không muốn bị giam vào bốn bức tường câm lặng, tách rời họ ra khỏi giọng nói, tiếng cười, nỗi buồn vui của con cháu, đưa họ ra khỏi cái bếp lửa gia đình, che khuất cái không gian mà vạn vật đang tung tăng bay nhảy, trao cho mắt họ một bức tranh không có ngôn ngữ, màu sắc mà chỉ mang đến những nỗi niềm u uẩn. Nỗi cô đơn là liều thuốc đáng sợ trong cuộc sống, thuốc ngấm thì lòng người sẽ trở nên lạnh lẽo, mọi thứ sẽ trở nên vô vị, dù đó là tiếng chim hót lúc bình minh, dù đó là những con sóng cuộn trào giữa lòng biển cả, dù đứng trước một vườn hoa ngào ngạt sắc hương...
Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nếu như người mẹ kia phải đứng trước chiếc hố sâu ngăn cách là do nghịch cảnh trớ trêu thì người mẹ này lại có những tủi buồn gấp bội. Bà có đứa con trai duy nhất sinh trong chiến khu, người chồng hy sinh sau trận mưa bom của giặc. Bà vừa nuôi con vừa tiếp tục chiến đấu, mong muốn duy nhất lúc ấy của bà là đất nước sớm thanh bình, đứa con sau này sẽ thành người hữu dụng, phụng sự Tổ quốc. Sau ngày giải phóng, do sức khỏe yếu nên bà nghỉ hưu sớm. Thằng con trai làm việc ở một huyện ngoại thành, cứ một thập niên nó lại được đề bạt giữ một chức vụ mới, rồi trở thành cán bộ lãnh đạo một cơ quan hành chính, hứa hẹn những bước chân sẽ còn sải xa hơn.
Thế nhưng bà đâu ngờ quan lộ của thằng con ngày càng rộng mở thì con đường đời của người mẹ lại cứ hẹp dần. Sau thời gian được điều động lên thành phố giữ chức khá to, nó bất ngờ thương thảo với bà nên vào viện dưỡng lão để có điều kiện an hưởng tuổi già, nơi đó có bạn bè cùng lứa, có bác sĩ chăm lo y tế, có những chế độ ưu đãi người có công... Lý do nó đưa ra là: "Con bận rộn quá, vợ con cũng làm nhà nước, lại có thằng cháu khờ khờ khạo khạo nên chăm sóc má không được đầy đủ. Vợ chồng con cũng bàn bạc, tính thuê người giúp việc, nhưng nhà mình khách khứa toàn là người có vai vế... nên thấy không tiện. Má vô đó, mỗi tuần tụi con đến thăm một lần, má được chăm lo đầy đủ thì con mừng lắm...".
Thương con và cũng không muốn làm tụi nó "vướng tay, vướng chân" nên người mẹ miễn cưỡng chiều ý. Suốt 7 năm qua, ở tuổi quá 80, cái môi trường mà thằng con cố tình "dệt gấm, thêu hoa" đã gieo trong lòng bà một trái sầu và cái trái không hình dáng ấy cứ ngày càng lớn, chế ngự mọi xúc cảm trong tâm hồn, biến thân xác vốn đã héo hắt theo năm tháng thành một sinh vật biếng ăn, lười nói, luôn lo nghĩ xa xôi...
- Vô nhà chị ơi, mưa rồi...
Bà giật mình quay về thực tại, nắm tay người bạn già đi nhanh về dãy nhà lấp lóe ánh đèn. Những giọt nước thấm qua mái tóc, chảy dài trên gương mặt, lan vào đôi môi, vị thấy mằn mặn, bà không biết chị Hằng buồn, chú Cuội tủi hay nỗi niềm của bà đang dâng lên khóe mắt.
*
* *
- Má khỏe không? Mới vắng có hai tuần mà sao thấy sắc mặt má tệ quá?
Người mẹ cười buồn:
- Ở đây người ta chăm sóc tốt lắm, từ chú bác sĩ đến cô nhân viên làm vệ sinh. Có lẽ do trở trời nên mấy bữa nay má thấy người hơi mệt, không muốn ăn uống gì hết. Còn tụi bây, công việc cũng suôn sẻ, vợ con cũng khỏe mạnh hết chớ hả?
Đứa con trai mở giỏ xách lấy ra cái thố đất được bọc giấy bạc cẩn thận, nói giọng ân cần:
- Con có mua bào ngư nấu vi cá bồi dưỡng cho má, chút nữa má ráng ăn hết nghen. Vợ con hôm nay đi họp phụ huynh, nó gởi tặng má món quà kỷ niệm sinh nhật. Tội nghiệp, nó thương má dữ lắm...
Vừa nói, thằng con vừa lấy ra chiếc lắc vàng cẩn cẩm thạch định đeo cho mẹ. Người đàn bà rụt tay lại, trách:
- Mua chi toàn là những thứ đắt tiền! Ở đây ai cũng nghèo khổ hết, đeo để khoe với ai? Mấy thứ này không có ý nghĩa gì đâu, tụi bây còn nhớ đến má là tao vui lắm rồi.
Một hồi im lặng, bà mẹ cầm lấy tay con:
- Cho má về nhà chơi vài hôm, tao nhớ mấy bà bạn hàng xóm lắm. Nghe nói có bà bị tai biến, có bà còn phải lặn lội ra chợ kiếm ăn... Lâu quá rồi, má muốn thăm lại họ.
Nghĩ ngợi một lúc, đứa con hứa hẹn:
- Lần sau nhe má, bữa nay con không về nhà, dự lễ hội suốt cả ngày. Má cứ tịnh dưỡng đi, đừng lo chuyện thiên hạ nhiều quá. Bây giờ con phải chạy đây.
Bà mẹ đứng lên, ôn tồn:
- Bớt ăn nhậu lại đi con. Mới sáng sớm mà nghe mày nói chuyện còn nồng nặc mùi rượu, tối qua chắc nhậu dữ lắm. Ăn nhậu dễ hư thân lắm đó nghen!
Dõi theo bóng đứa con trai khuất khỏi dãy hành lang, bà mang thố bào ngư, vi cá sang dãy phòng bên tặng cho người bạn già hay ra ngồi chung ghế đá tâm tình với mình.
- Chị ăn đi, thứ này bổ dưỡng lắm đó, ăn cho nóng để giải cảm.
Thế rồi tuần sau đứa con trai không đến. Tuần tiếp theo đứa con dâu mang đến một ít quà, hỏi han mấy câu rồi vội vã ra về. Chuyện thăm nom cứ thưa dần, thưa dần. Thấy mẹ thắc mắc, đứa con dâu có lúc nói: "Ảnh đi nước ngoài liên tục hà má ơi!", có lúc lại bảo: "Ảnh đi Hà Nội tập huấn dài hạn để về nhận chức vụ mới. Má yên tâm, ảnh làm việc giỏi giang lắm!".
*
* *
Trại giam ấy nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 200 cây số về phía tây. Buổi trưa gần đến giờ cơm, một phạm nhân dáng tầm tầm, tóc lưa thưa, đeo kính trắng được quản giáo đưa ra phòng gặp gỡ thân nhân và cho phép được tiếp xúc trong vòng 30 phút.
Nhác thấy bà lão đầu bạc trắng ngồi trên chiếc ghế tre, che miệng ho khụt khịt, phạm nhân trờ đến quỳ ngay trước mặt:
- Má... Má ơi! Sao má biết con ở đây?
Người mẹ ôm đứa con, vuốt lại mái tóc, sờ mấy vệt quầng thâm trên đôi mắt, bẻ lại chiếc cổ áo, rồi lấy khăn tay ra lau hai dòng nước mắt đang ràn rụa trên gương mặt đớn đau của nó. Mẹ lúc nào cũng thế, dù đứa con đã già dặn, đã nếm trải bao gió sương cuộc đời, đã gây ra biết bao ngang trái, khổ lụy cho đấng sinh thành, nhưng mẹ vẫn dang rộng vòng tay âu yếm, nâng niu như nó vẫn còn thơ ngây, hồn nhiên thuở nào. Với mẹ, con không có lỗi, núm ruột không thể cắt lìa, dù trong hoàn cảnh nào cũng dành cho nó những gì tốt đẹp nhất, nếu có thể chết thay thì mẹ cũng sẵn sàng dang đôi tay ra che chắn cho con, mọi sự hy sinh trong cuộc tranh đấu với đời cuối cùng cũng chỉ để "nước mắt chảy xuôi".
- Má... Ai đưa má đến đây?...
Bà mẹ chậm rãi nói:
- Má trình bày nguyện vọng với ông giám đốc quản lý viện dưỡng lão. Thấy má yếu quá không thể tự đi được, ổng cho xe và tài xế đưa má đi, nói không tính tiền nong gì, vì má nhiều lần đóng góp vào quỹ bảo trợ của viện rồi. Ổng tử tế quá. Má muốn đến gặp mày lần cuối, một lần thôi, vì khi mày ra tù có lẽ má không còn trên cõi đời này nữa... Má 86 tuổi rồi, dạo này trong người không ổn, huyết áp cứ lên xuống bất thường. Chết là chuyện bình thường, sống mà không an vui mới là buồn.
Thằng con không nói gì, cứ ôm mặt rưng rức khóc. Ngồi thở dốc một lúc, bà già trút nỗi niềm:
- Hôm mày bị bắt, rồi ngày mày ra tòa, báo chí, tivi loan tin đủ hết. Nếu như trước đây má ngầm hãnh diện vì mày thì bây giờ tao muốn mọi người đừng nhớ đến gia đình mình nữa. Tao khóc không còn nước mắt. Ở đời mày đâu có thua kém ai thứ gì, quan lộc đầy đủ, nhà cửa uy nghi, ăn trên ngồi trước... Vậy mà mày lại đi toa rập, lừa dối nhà nước, tham lạm của công. Từ lâu, tao đã lo cái viên đạn "tiền - rượu - gái" sẽ hãm hại con mình, không ngờ mày "trúng đạn" thật. Làm cán bộ là để phụng sự đất nước, giúp đỡ nhân dân, vậy mà không ít kẻ đã làm ngược lại. Giờ đây, mày đã trả giá cho sự ham hố của mày. Mày hơn 60 tuổi rồi, không còn thời gian để chuộc lỗi cho cái sai của mày nữa đâu. Có lẽ dòng máu của mày không thuộc về gia đình này nên coi sự hy sinh, khó nhọc của bao người là rẻ rúng, không có ý nghĩa gì. Tám năm thụ án có đủ thời gian cho mày chiêm nghiệm về cách sống của một con người không, con? Cái buồn đau của tao gần chục năm nay là bị đứa con bỏ rơi để chạy theo con đường dục vọng hư ảo. Nó lạnh lùng với người mẹ già yếu đúng vào lúc bà ta rất cần hơi ấm tình cảm của nó. Nghiệt ngã không sao nói hết được...
- Má ơi, con khốn nạn quá...!
*
* *
Mấy tháng sau, ánh trăng rằm lại trải một màu vàng ấm lên cái khuôn viên bừa bộn mà lạnh lẽo ấy. Trên chiếc ghế đá bên cây sao già chỉ còn trơ trọi một bóng người.