Một tác phẩm viết về Phú Yên anh hùng, nghĩa tình, son sắt

Chủ Nhật, 26/05/2024 18:03

|

(CATP) Rất xúc động khi đọc những truyện ngắn như: Người con gái Tuy Hòa, N.145, Linh hồn sống, Những người sống mãi, Bằng bất cứ giá nào... được viết lại từ những chuyện có thật, in trong tập truyện ký Người con gái Tuy Hòa của GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú, do Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên ấn hành.

Nhân vật chính trong những câu chuyện rất xúc động, đó là những người nông dân chất phát, hiền lành, nghèo khổ được sinh ra, lớn lên trên đất Phú Yên, được giác ngộ cách mạng, chiến đấu chống ngoại xâm bằng tất cả sự dũng cảm, sức mạnh của lòng căm thù và tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng của mình! Nhờ những phẩm chất tốt đẹp đó mà Đảng bộ, quân, dân Phú Yên đã vượt qua muôn vàn gian khổ, cùng cả nước viết nên bản hùng ca ngày 30/4/1975.

GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú (nay đã 85 tuổi) xuất thân trong một gia đình, gia tộc, quê hương giàu truyền thống cách mạng ở Phú Yên - vùng đất nổi tiếng kiên cường, chung thủy với lý tưởng theo Đảng, theo Bác Hồ suốt thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Do nhiệm vụ đặc biệt nên ông có cơ hội được đi nhiều nước, tiếp xúc với nhiều thành phần ủng hộ và cả chống đối cách mạng Việt Nam (ông là Đại tá Công an nhân dân Việt Nam) nên tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh trong đấu tranh với các quan điểm sai trái.

Ông còn có thời gian trực tiếp cầm súng chiến đấu ở nhiều mặt trận nóng bỏng cũng như lăn xả với nhiệm vụ một phóng viên, nhiếp ảnh gia trên chiến trường. Ông lại có cơ hội được gặp, làm việc với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở nhiều thời kỳ; tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu nên học hỏi được rất nhiều, càng hun đúc lòng yêu nước, ý chí chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là nền tảng tri thức, nhận thức và cảm xúc chân thật để ông có thể viết về lãnh tụ thương kính với hai tác phẩm nổi tiếng: Đường Bác Hồ đi cứu nước, Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (cùng do NXB Thanh Niên ấn hành và đã tái bản đến... 22 lần). Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khác: Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Miền Nam trong trái tim Người, Còn với non sông một chữ tình...

Trong tập truyện ký Người con gái Tuy Hòa mà chúng tôi đang đề cập, ngoài các truyện ngắn xúc động cho độc giả, còn có những phần ký hay như: Bài ca đường 5, Cửa Hội sáng xuân nay (Trình Quang Phú viết về người cha kính yêu của ông, một cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sĩ cách mạng can trường ở Phú Yên, sau năm 1954 tập kết ra Bắc làm chủ nhiệm hợp tác xã đánh cá ở vùng biển Nghệ An), Thư viết từ đường 5... Đặc biệt là loạt bài Nghĩa tình Phú Yên viết về kỷ niệm và tình cảm sâu sắc, thủy chung của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam...

GS.TS - nhà văn, Đại tá Trình Quang Phú chụp ảnh cùng nhà văn - Trung tướng Hữu Ước tại Hà Nội ngày 30/11/2023

Tác giả Trình Quang Phú kể lại về 6 năm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị chế độ Ngô Đình Diệm giam lỏng, lưu đày ở Phú Yên để tách ông khỏi phong trào yêu nước ở Sài Gòn mà ông đang lãnh đạo. Địch đã bày đủ "mưu hèn kế bẩn" hòng hãm hại Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng với phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản, nhà trí thức cách mạng, ông đã vượt qua tất cả thử thách để càng sáng ngời, càng được nhân dân yêu mến, càng được Đảng và Bác Hồ tin tưởng. Bác Hồ đã chỉ đạo cho Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Phú Yên bằng mọi cách phải giải thoát cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở về hoạt động cách mạng. Mấy mươi năm sau, luật sư quay lại Phú Yên, tìm gặp từng người, từng gia đình, đơn vị đã chấp nhận gian khổ, hy sinh, lao vào cứu ông năm xưa để tri ơn. Ông gọi họ là những "ân nhân" và coi Phú Yên là quê hương thân yêu thứ hai của mình...

Qua ngòi bút của tác giả Trình Quang Phú, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hiện lên với tài năng, đức độ, lòng yêu nước, yêu dân, tình cảm son sắt, thủy chung với đất nước, với quê hương Phú Yên. Nhà lãnh đạo tài ba này để lại cho đời, cho cách mạng Việt Nam một chân dung người cộng sản liêm khiết, bao dung, nhân hậu, khiêm nhường của thế hệ vàng "khai quốc công thần" đã theo Bác Hồ đi trọn con đường vì nước, vì dân! Có lẽ GS.TS - nhà văn, Đại tá Trình Quang Phú đã chịu ảnh hưởng hay học tập được điều tốt đẹp đó từ quá trình hoạt động cách mạng, từ truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương nên trong cuộc sống hay khi viết về những người con ưu tú, anh hùng của Phú Yên, ông luôn có tình cảm đặc biệt và có bút lực mạnh mẽ, cảm xúc dồi dào, gây xúc động và thuyết phục độc giả.

"Chủ nghĩa anh hùng cách mạng" được tôi luyện qua đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước luôn là nét son đáng tự hào trong nền văn học cách mạng, văn học Việt Nam hiện đại. Giá trị này có ý nghĩa rất lớn để gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất trước ngoại xâm và giáo dục các thế hệ trẻ về công lao mở nước, dựng nước, giữ nước của tổ tiên người Việt qua nhiều thế kỷ. "Chủ nghĩa anh hùng cách mạng" trong văn học còn giúp các thế hệ độc giả hôm nay tỉnh táo, cảnh giác trước các âm mưu, luận điệu chống phá đất nước, phủ nhận các thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là thủ đoạn đầu độc tư tưởng để làm hèn thế hệ trẻ, gây bất ổn xã hội, làm cho Việt Nam nghèo đói, loạn lạc, tan nát... như Đông Âu, Liên Xô cũ và những quốc gia từng là nạn nhân của "cách mạng màu", của "phong trào dân chủ” cuội, của "chiến lược diễn biến hòa bình...". Cuốn sách Người con gái Tuy Hòa của tác giả Trình Quang Phú đã góp phần khẳng định thêm tính chính nghĩa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trước các xảo biện muốn xóa nhòa, phủ nhận những thành quả cách mạng và văn học cách mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang