Nghiêm cấm hành vi ngăn chặn phổ biến Quốc ca Việt Nam

Thứ Tư, 08/12/2021 06:51

|

(CATP) Sáng 7-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan xoay quanh sự việc một kênh YouTube đã ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong lúc tiếp sóng trực tuyến trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào, trong khuôn khổ AFF Cup 2020 diễn ra tối ngày 6-12-2021, khiến dư luận bức xúc.

Quốc ca là của "nhân dân và Tổ quốc Việt Nam", sao lại dám ngắt âm thanh?

Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL, việc một doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu này trên nền tảng số trái quy định pháp luật. Bộ VH-TT&DL khẳng định, ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng). Vì vậy, Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Trước đó, vào tối 6-12, đội tuyển Việt Nam đã có trận ra quân ở giải AFF Cup 2020 đấu với đội tuyển Lào. Tuy nhiên, một sự việc chưa từng có trong lịch sử đó là việc kênh YouTube của Next Sports (Next Media) - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020, khi tiếp sóng trực tiếp trận đấu này trên kênh YouTube đã tắt tiếng Quốc ca của Việt Nam trong nghi thức chào cờ đầu trận, khiến khán giả ngỡ ngàng và phẫn nộ.

Đơn vị này đã gắn dòng chữ thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Trong khi đó, nếu khán giả theo dõi trận đấu này trên VTV6 thì phần âm thanh Quốc ca vẫn phát bình thường. Đáng chú ý, không chỉ Quốc ca Việt Nam mà cả Quốc ca Lào cũng bị ngắt tiếng.

Quốc ca bị ngắt âm thanh trong trận đấu Việt Nam - Lào

Và ngay lập tức trong đêm đó và sáng ngày hôm sau (7-12), mạng xã hội dậy sóng với hàng loạt câu hỏi, rằng vì sao Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam, thuộc bản quyền của "nhân dân và Tổ quốc Việt Nam" mà Next Media dám tắt phần tiếng? Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, trường hợp này xảy ra là do phía Công ty BH Media đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca và đã từng báo cáo cũng như xóa nhiều video có ca khúc này trên nền tảng YouTube.

Tuy nhiên, ngay lập tức phía đại diện BH Media khẳng định, BH Media không nhận mình nắm bản quyền tác phẩm Quốc ca mà chỉ đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không liên quan đến BH Media, mà do đơn vị tiếp sóng là Next Sport chủ động tắt tiếng để phòng tránh việc mất doanh thu, do lo ngại thụ động sử dụng phải bản ghi âm "Quốc ca" có đăng ký bảo hộ bản quyền trên nền tảng số.

Trước đó, Next Sports cũng tắt tiếng phần cử hành Quốc ca các nước ở nhiều trận đấu khác tại AFF Cup như Thái Lan - Timor Leste, Singapore - Myanmar, Malaysia - Campuchia... cũng vì lý do này.

Hiện, để tránh tình trạng tương tự có thể xảy ra ở các trận đấu tiếp theo, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho biết sẽ gửi bản thu âm "Quốc ca" Việt Nam đến BTC AFF Suzuki Cup để sử dụng đồng nhất trong các trận bóng có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Đây là bản thu âm vẫn được sử dụng trong cách nghi lễ quốc gia của Việt Nam. Về bản ghi âm ca khúc "Quốc ca" được sử dụng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào, VFF cho biết đây là bản ghi âm được BTC AFF Suzuki Cup 2021 lấy nguồn từ Liên đoàn bóng đá châu Á, hiện chưa xác định bản ghi này do ai sản xuất.

Trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch

Bài Tiến quân ca được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ cuối năm 1944, khi ông mới 21 tuổi. Ngày 22-12-1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài 75 năm qua, trở thành điều thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho "nhân dân và Tổ quốc Việt Nam". Bộ VH-TT&DL được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ cũng đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài Tiến quân ca cho Cục Bản quyền tác giả.

Thực tế đến hôm nay, vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm này như thế nào chưa có thông tin rộng rãi. Quyền sở hữu trí tuệ khá phức tạp, đặc biệt trên môi trường số ngày càng chặt chẽ, nếu không cẩn trọng sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi khác nhau mà quyền lợi trên YouTube chỉ là một khía cạnh của vấn đề rộng lớn. Quyền lợi của dân tộc (với Quốc ca Việt Nam) càng quan trọng hơn, vì đó là hồn cốt, tình cảm thiêng liêng của dân tộc, quốc gia. Trách nhiệm này thuộc về Bộ VH-TT&DL. Không thể để Quốc ca Việt Nam bị các hãng đĩa cắt phần lời, thực hiện bản ghi liên quan đến phần hòa âm phối khí, để "sở hữu hợp pháp" Quốc ca Việt Nam như vậy.

Quốc ca là tài sản quốc gia. Trong khi đó, hiện có rất nhiều bản ghi âm ca khúc "Quốc ca" do các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước sản xuất, thu âm và đăng ký sở hữu trên nền tảng số. Tuy nhiên, đã là tài sản quốc gia thì không ai (cả trong và ngoài nước) được phép dùng để trục lợi cho mục đích cá nhân. Song, khi đã hội nhập toàn cầu, Việt Nam cần chấp hành "luật chơi" quốc tế và cần phải có biện pháp bảo vệ Quốc ca theo luật quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, tác phẩm đặc biệt như "Quốc ca" không thuộc phạm vi xử lý của các trung tâm bản quyền mà cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc.

Điều này đặt ra vấn đề, Việt Nam mà trong đó là Bộ VH-TT&DL (có chức năng quản lý Nhà nước về gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca) cần sản xuất một bản ghi chuẩn, có bản quyền của quốc gia Việt Nam, phổ biến thống nhất và công khai trên mọi nền tảng, để người dân, các cơ quan, đơn vị có toàn quyền sử dụng trong các sự kiện, nghi lễ...

Việc tự ý tắt tiếng Quốc ca Việt Nam khi tiếp sóng trực tiếp dù ở sự kiện nào, với bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận, bởi điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, sự tôn nghiêm, lòng tự tôn dân tộc của cả một quốc gia. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm vấn đề này, để đảm bảo tuyệt đối Quốc ca Việt Nam là tài sản của nhân dân và Tổ quốc Việt Nam, không được phép để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thao túng, lợi dụng để trục lợi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang