Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, Bùi Văn Tiếng:

'Phẫn nộ với những ai thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa Việt'

Thứ Năm, 07/07/2016 18:30

|

(CAO) Thời gian gần đây, dư luận và người dân Đà Nẵng hết sức bức xúc chuyện một số nhóm hướng dẫn viên Trung Quốc “chui” xuyên tạc văn hoá, lịch sử Việt Nam. Một số người Trung Quốc đốt tiền Việt, hành xử thiếu văn hóa với người bán chuối, hóng hách giữa chốn đông người khi đi du lịch…

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng là người am tường, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng có cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh những vấn đề trên…

Ông Bùi Văn Tiếng

PV: Ông suy nghĩ như thế nào về việc phản ứng của người Việt trước “thái độ” của một số người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc khi đến Việt Nam hành động phi pháp?

Ông Bùi Văn Tiếng: Du khách quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều thì thị trường du lịch Việt Nam càng mừng. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, khách du lịch tăng góp phần làm giàu đất nước. Người Việt với tinh thần khoan dung, văn hóa người Việt cởi mở, chân tình, hiếu khách, ứng xử văn hóa với tất cả du khách đến Việt Nam.

Tuy nhiên, một số khách Trung Quốc có hành vi phản cảm trong thời gian vừa qua được dư luận Việt Nam quan tâm, phản ứng nhưng đây không phải là sự kỳ thị người Trung Quốc và kể cả bất kỳ người nước nào. Nhưng người Việt rất phẫn nộ với bất kỳ ai thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa người Việt. Người Việt đặt lợi ích dân tộc là tối thượng. Đối với TP.Đà Nẵng, khi đang hướng đến thành phố văn minh, hiện đại không thể không phản ứng khi bị xúc phạm về văn hóa, lịch sử người Việt, khi chủ quyền, an ninh bị đe dọa. Người Việt phản ứng mạnh mẽ nhưng có đẳng cấp về văn hóa là ở chỗ đó.

Một nhóm người Trung Quốc hành xử thiếu văn hóa với người bán chuối

PV: Những ngày gần đây, dư luận “râm ran” chuyện hướng dẫn viên (HDV) người Trung Quốc hoạt động “chui” xuyên tạc Việt Nam, ông nhìn nhận gì về điều này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đối với sự việc HDV người Trung Quốc hoạt động “chui” xuyên tạc lịch sử Việt Nam cũng như Đà Nẵng, những trường hợp chúng ta phát hiện còn ít so với thực tế vì không phải lúc nào chúng ta cũng có người hiểu tiếng Trung. Nên khi có chứng cứ thuyết phục thì xử lý theo luật pháp Việt Nam.

Quan trọng nhất là ngăn chặn tệ nạn HDV “chui” hoạt động trái phép trên lãnh thổ nước khác có luật quy định. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các nhà quản lý, những HDV không có lương tâm. Cần có những giải pháp, chế tài để hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí là triệt tiêu những HDV người Việt tiếp tay cho những HDV Trung Quốc hoạt động “chui” tại Việt Nam. Các công ty lữ hành, các loại hình dịch vụ du lịch cần bài xích những hoạt động sai trái liên quan đến ngành du lịch. Cần động viên, khen thưởng những HDV, người dân, du khách ghi nhận, phát hiện, tố cáo những hành vi sai trái đó.

PV: Theo ông, để quản lý tốt hơn, xiết chặt thực trạng trên, cần phải làm như thế nào?

Ông Bùi Văn Tiếng: Cần tính đến chuyện cơ quan chức năng trang bị tiếng Trung để theo dõi, hoạt động ở mức nghiêm trọng, có chủ đích. Quản lý qua con đường quản lý xuất nhập cảnh không đơn thuần việc cập nhật du khách, người nước ngoài vào, ra mà cần sát sao, liên kết giữa các cửa khẩu để quản lý. Lưu ý những du khách nào có tần số xuất hiện nhiều với mục đích du lịch ở một địa điểm thì cần phải xem lại, theo dõi, có biện pháp xử lý hữu hiệu, chứ không ai dại gì mà cứ đi du lịch mãi ở một điểm.

Các nhà hàng, khách sạn, đơn vị lưu trú, dịch vụ du lịch cần kiểm soát chặt chẽ hơn, từ đây có thể phát hiện một số du khách không vì mục đích du lịch. Tại các tụ điểm du lịch, người dân tuy không biết tiếng Trung, nhưng nhìn vào người nào hướng dẫn thuyết minh là người Trung Quốc thì báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc ghi nhận, quay, chụp lại để tạo chứng cứ để cơ quan chức năng có cơ sở xử phạt.

HDV du lịch của chúng ta cần được trang bị thêm về lòng tự tôn dân tộc và bản thân cần cân nhắc lại đừng vì lợi ích tiền bạc mà quên đi lợi ích dân tộc, nhất là những người biết sai trái mà vẫn làm thì càng nguy hiểm hơn. Điều cốt yếu vẫn là việc xử lý đồng bộ, rốt ráo, tích cực của cơ quan chức năng thì mới mang lại một môi trường du lịch trong lành, đảm bảo lợi ích kinh tế nhưng vẫn giữ được hình ảnh, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam trong mắt du khách Trung Quốc và cả thế giới.

Một hướng dẫn viên Trung Quốc hành nghề “chui” tại Việt Nam

PV: Để đi vào tâm thức người Việt, thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về biển đảo quê hương, về lòng tự tôn dân tộc, theo ông việc cần làm là gì?

Ông Bùi Văn Tiếng: Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần bổ sung, định hướng làm sao cho học sinh chúng ta hiểu rõ hơn nữa về lịch sử đất nước (lâu nay đáng báo động). Quá trình xác lập thực thi biển đảo cũng nên đưa vào nhà trường. Trong khi họ (Trung Quốc) không có chân lý họ lại đưa vào nhà trường, còn chúng ta sở hữu chân lý (quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam) mà còn xem nhẹ là không được. Phải đưa vào nhà trường là điều hiển nhiên, không những thế phải đưa vào môn lịch sử nữa chứ không chỉ môn địa lý thôi đâu.

Còn việc giáo dục lòng tự tôn dân tộc trong thời buổi hiện nay không hề đơn giản, nhưng cần phải làm. Cần tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc, hành động thiết thực hơn nữa với quê hương đất nước. Với người Việt, Tổ Quốc là trên hết, trên tất cả. Ai xâm phạm đến Tổ Quốc, đến danh dự người Việt thì mình đấu tranh, còn ai có thiện cảm với Đất nước ta, quê hương, con người của ta thì ta trân trọng, hợp tác, gắn kết bền chặt.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang